Trải qua chặng đường ba thập kỷ với nhiều biến động, Ikepod đã chiêu đãi giới mộ điệu với nhiều bộ sưu tập (BST) đa dạng về phong cách thiết kế, chất liệu cũng như màu sắc. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng một câu chuyện riêng biệt vào từng mốc thời điểm đặc biệt, chủ yếu dựa trên hai giai đoạn chính có sức ảnh hưởng lớn đến lịch sử của thương hiệu. Sau đây, hãy cũng S&S Group tìm hiểu thêm về những BST đồng hồ của Ikepod trong từng giai đoạn.
1994 - 2012: Kỷ nguyên của Marc Newson và Oliver Ike
Sau khi cùng với người đối tác của mình đồng sáng lập nên Ikepod vào năm 1994, Marc Newson đã bắt tay ngay vào việc lên ý tưởng cho các mẫu đồng hồ của thương hiệu.
Là một nhà thiết kế tài năng đã từng làm trong nhiều nghệ thuật dự án lớn, Newson rất biết cách thổi hồn phong cách của mình vào trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Vì vậy mà không quá lâu sau khi thành lập, Ikepod đã trình làng bộ sưu tập đầu tiên mang tên Seaslug.
Ikepod Seaslug (1996)
Seaslug là mẫu đồng hồ đầu tiên của Ikepod do Newson chế tác với bộ vỏ hình tròn và viền bezel lồi được khắc phút ở trên. Phần mặt số của đồng hồ có màu sắc tương phản với các cọc số và kim chỉ giờ, giúp cho việc xem thời gian dễ dàng hơn khi đang dưới biển. Seaslug còn được tích hợp tính năng GMT với viền bezel nhỏ thứ hai bên trong, tạo điều kiện cho việc theo dõi 2 múi giờ riêng biệt.
Vì ngoại diện của Seaslug hoàn toàn khác biệt so với bất kỳ chiếc đồng hồ nào khác vào thời điểm đó nên Ikepod đã nhận được rất nhiều sự chú ý. Giới mộ điệu ngày nay vẫn yêu thích Seaslug như là chiếc đồng hồ đầu tiên của Ikepod, mở ra một hành trình đáng nhớ của thương hiệu.
Ikepod Hemipode (1997)
Seaslug là bước khởi đầu tốt của Ikepod khi thu hút nhiều sự quan tâm dành cho thương hiệu. Tuy nhiên, để gây ấn tượng với phần lớn các nhà sưu tầm, Newson cần một tạo tác bùng nổ hơn. Đây cũng chính là suy nghĩ đã thúc đẩy ông cho ra đời BST nổi tiếng nhất của Ikepod - Hemipode.
“Tôi muốn tạo ra một thứ gì đó phức tạp và khác biệt, không giống bất kỳ chiếc đồng hồ nào khác”, Marc Newson chia sẻ. Với những kinh nghiệm có được từ BST Seaslug, Newson đã có những bước chuẩn bị tốt hơn về mặt kỹ thuật và ý tưởng cho Hemipode.
Dựa trên ý tưởng mà ông đã nung nấu từ lâu với chiếc Large Pod Watch khi còn trẻ, phiên bản Hemipode chỉ bao gồm hai phần chính - phần vỏ và dây đeo. Tương tự như Mystery Clock, Hemipode toát lên một vẻ “huyền bí” vì nếu chỉ nhìn thoáng qua, ít ai có thể hiểu được cách lắp ráp của chiếc đồng hồ này.
Sở hữu bộ vỏ hình tròn với kích thước 44mm, không quá khó để Hemipode chứng minh sự hiện diện của mình với nhiều điểm đặc trưng trong phong cách thiết kế của Newson: độ cong liền mạch với lớp kính nằm phẳng với bộ vỏ, tạo thành một hình elip hoàn hảo. Ở mặt sau của đồng hồ có một ô cửa sổ nhỏ làm lộ một phần của bộ chuyển động, và cuối cùng là logo hình chú chim biểu tượng của BST (Hemipode là tên của một loài chim nhỏ không biết bay).
Cho đến ngày nay, Hemipode vẫn là một trong các BST biểu tượng và được yêu thích nhất của Ikepod.
Ikepod Megapode (1999)
Sau Hemipode, Ikepod và Newson trình làng chiếc Megapode với kích thước 46mm, lớn hơn 2mm so với người tiền nhiệm.
“Megapode được phát triển dành cho các phi công. Tất nhiên, các phi công ngày nay không còn quá phụ thuộc vào tính năng của đồng hồ công cụ như tính toán nhiên liệu hay vận tốc nữa, tuy nhiên tôi vẫn muốn giữ gìn bản sắc của chúng”, Marc Newson chia sẻ.
Mặt số của đồng hồ có nhiều chi tiết tương phản bắt mắt, từ phần kim của các mặt số phụ cho đến các số liệu trên thang đo công cụ để đảm bảo các phi công có thể dễ dàng xem thời gian cũng như các thông số khác khi đang thực hiện nhiệm vụ. Tính năng bấm giờ được thêm vào để họ có thể thực hiện các phép đo thời gian chính xác hơn.
Bên cạnh 2 thang đo logarit đặc trưng, các nút bấm của tính năng chronograph được đặt ở bên trái đồng hồ vì Marc Newson cảm thấy như vậy sẽ tạo nên sự cân bằng cho tổng thể thiết kế.
Ikepod Manatee (2001)
Manatee là BST hình chữ nhật đầu tiên của Ikepod phù hợp dành cho những cá nhân thích du lịch và khám phá. Mặt số của chiếc đồng hồ được tích hợp tính năng giờ thế giới, cho phép việc xem thời gian ở nhiều nơi khác nhau. Bộ vỏ của Manatee có khả năng chống nước ở độ sâu 50 mét.
Mặt sau của đồng hồ được khắc một hình tượng tượng trưng cho loài lợn biển - nguồn cảm hứng cho tên gọi của BST. Manatee được chứng nhận COSC về độ chính xác với 2 phiên bản bằng thép và vàng.
Mặt số của các mẫu Manatee bằng thép có nhiều màu sắc khác nhau như vàng, đỏ, xanh dương và trắng đa dạng trong việc lựa chọn để phù hợp với sở thích và tính cách của từng cá nhân.
Ikepod Horizon (2008)
Ikepod Horizon lấy ý tưởng từ một hiện tượng xuất hiện trong vật lý thiên văn, với viền bezel bằng titanium đóng vai trò là rìa của một hố đen và mặt số chính là sự vô tận của thời gian và không gian bị hút vào chính hố đen đó. Mặt số được trang trí bởi các họa tiết hình tròn nhỏ xếp cạnh nhau theo nhiều hướng, tạo nên sự hỗn loạn và chiều sâu cho chiếc đồng hồ.
“Horizon cho phép tôi thử nghiệm các chi tiết trang trí mới mà tôi biết vào thời điểm đó” , Newson chia sẻ.
BST Ikepod Horizon có nhiều phiên bản với chất liệu thép không gỉ hoặc vàng cùng nhiều màu sắc mặt số khác nhau.
2017 - Hiện tại: Giai đoạn chuyển mình dưới tài nghệ lèo lái của Christian-Louis Col
Năm 2017, Ikepod đã được Christian-Louis Col, một nhà sưu tầm trung thành của thương hiệu, mua lại với mong muốn mang đến những thay đổi về mặt chiến lược phát triển trong tương lai.
Ông đã liên hệ với nhà thiết kế Emmanuel Gueit, người đứng sau thành công của nhiều thương hiệu đồng hồ lớn khác, nhờ ông lên ý tưởng cho phần mặt số của hai mẫu đồng hồ mới.
Ikepod Duopod và Chronopod (2017)
Ikepod đánh dấu sự quay trở lại thị trường của thương hiệu với hai phiên bản Duopod và Chronopod sở hữu phong cách thiết kế hiện đại kết hợp các yếu tố truyền thống của thương hiệu từ những ngày đầu tiên.
Duopod là phiên bản đơn giản hơn khi mặt số chỉ hiển thị giờ và phút và được vận hành bởi bộ chuyển động quartz. Dù có kích thước khá lớn (42mm) nhưng vì bộ vỏ không có phần tai nên khi đeo, chiếc đồng hồ sẽ nằm gọn trên cổ tay của nhà sưu tầm.
Duopod Gold Dots
Duopod Dots
Duopod Staying Alive
Chronopod có kích thước 44mm tương tự phiên bản Hemipode của Marc Newson, đồng thời tích hợp chức năng bấm giờ chronograph với các mặt số phụ và bộ đếm 60 giây và 30 phút bên trong.
Chronopod Black PKK
Chronopod Alive
Chronopod White Horse
Chronopod Hey Joe
Cả hai mẫu đều đi kèm với dây đeo cao su màu đen được sản xuất tại Thụy Sĩ mang đến sự thoải mái và an tâm về chất lượng. Phần vỏ của Duopod và Chronopod đều được làm từ chất liệu thép không gỉ 316L cùng lớp hoàn thiện chải tia.
Sự khác biệt lớn giữa hai phiên bản với các người tiền nhiệm trong quá khứ là phần lắp ráp trên cùng của bộ vỏ. Sự thay đổi trong phương pháp chế tác này không hề ảnh hưởng đến thiết kế vỏ hình elip mà còn cho phép các nghệ nhân thực hiện quy trình bảo dưỡng hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
Ikepod Megapod Automatic (2020)
Sau thành công của Duopod và Chronopod, Ikepod tiếp tục trình làng BST Ikepod Megapod Automatic được lên ý tưởng bởi nhà thiết kế Alexandre Peraldi.
Ikepod Megapod Automatic lấy cảm hứng từ chính phiên bản Megapode ra mắt vào năm 1999 với ngoại diện không mấy thay đổi, nhưng giá thành đã được chỉnh sửa một cách hợp lý để giới mộ điệu có thể dễ dàng tiếp cận hơn.
Megapod Klara
Megapod Gale
Như tên gọi của mình, Megapod có kích thước lớn nhất trong các BST (46mm), được làm bằng thép không gỉ được đánh bóng với lớp kính sapphire ôm trọn đường cong của bộ vỏ. Mặc dù đường kính của Megapod khá lớn nhưng vì phần tai đồng hồ đã được lược bỏ nên sẽ mang đến cảm giác gọn nhẹ trên cổ tay. Thiết kế mặt số của Megapod có phần đơn giản, với điểm nhấn nằm ở những nét chấm phá về màu sắc và phông chữ hiện đại. Tất cả các phiên bản Megapod đều đi kèm với dây đeo màu đen bằng silicon tương tự các người tiền nhiệm trong những năm 2000.
Ikepod Seapod (2021)
Năm 2021 đánh dấu sự quay trở lại của Ikepod với đại dương khi trình làng mẫu đồng hồ lặn Seapod - một sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 phiên bản Seaslug và Hemipode.
Seapod Jacques
Phần vỏ của Seapod có hình dáng viên sỏi và được làm bằng thép không gỉ, tích hợp với viền bezel xoay đặc trưng của đồng hồ lặn. Các cọc số và kim giây có màu sắc nổi bật tương phản với mặt số để việc xem thời gian dưới nước dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, kim giờ và kim phút được phủ một lớp phát quang để hiển thị tốt hơn trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Ở mặt sau của chiếc đồng hồ có một lớp kính làm lộ ra bộ chuyển động bên trong với mức dự trữ năng lượng trong 42 giờ và khả năng chống nước lên đến 200 mét.
Seapod Zale
Ikepod Skypod (2022)
Ngôn ngữ thiết kế của Skypod xuất phát từ chiếc Megapode Chronograph với kích thước 46mm và các nút bấm của chức năng chronograph nằm ở bên trái của bộ vỏ. Phần mặt số khi mới nhìn vào sẽ khá khó để nắm bắt các thông tin, nhưng nó lại là điểm nhấn của Skypod vì khi hiểu rõ cơ chế hoạt động của chiếc đồng hồ, các nhà sưu tầm sẽ tự mình khám phá được cấu trúc khá hỗn loạn nhưng lại vô cùng tinh tế của Skypod.
Skypod Marten
Mặc dù vẫn giữ lại phần nào ngoại diện của chiếc Megapode Chronograph, Skypod đã được thiết kế lại hoàn toàn bởi studio Claesson Koivisto Rune có trụ sở tại Stockholm. BST này có 2 phiên bản màu xanh lam và đen cùng các chi tiết nhỏ màu trắng và cam bên trong.
Các kim lớn màu trắng hiển thị giờ và phút cùng một kim giây nhỏ ở vị trí 3 giờ, trong khi các kim màu cam dành cho cơ chế bấm giờ với kim giây lớn ở giữa cùng bộ đếm 30 phút và bộ đếm 12 giờ. Mặt số phụ cuối cùng dành cho thang đo 24 giờ đóng vai trò là múi giờ thứ hai,
Điều đặc biệt là Skypod được vận hành bởi bộ chuyển động La Joux - Perret được sản xuất tại Thụy Sĩ, mang lại độ chính xác cùng hiệu năng vượt trội.
Skypod Eero
Megapod Hour Glass (2024)
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập của thương hiệu, Ikepod đã trình làng BST Megapod Hour Glass giới hạn chỉ 100 chiếc trên toàn thế giới. Được thiết kế bởi Alexandre Peraldi, BST Megapod Hour Glass có tổng cộng bảy phiên bản với màu sắc mặt số hoặc phần trang trí khác nhau, nhưng điểm chung là phần kim giây hình đồng hồ cát lớn quay quanh tạo nên hiệu ứng thị giác thú vị.
Tại sao Ikepod lại chọn hình đồng hồ cát làm yếu tố chính của BST? Vì nó gợi nhớ đến các tác phẩm Ikepod Hourglass do Marc Newson thiết kế được ra mắt vào năm 2011.
Bộ vỏ của các chiếc đồng hồ đều được làm từ thép đã trải qua quá trình đánh bóng với kích thước 46mm và độ dày 17mm. Phần trang trí trong mặt số tương đối đơn giản, chủ yếu là chi tiết kim giây hình đồng hồ cát màu cam cùng kim giờ và kim phút nổi bật làm điểm nhấn.
Megapod Hour Glass Walter
Megapod Hour Glass Gae
Mỗi bộ sưu tập của Ikepod đều chứa đựng những câu chuyện khác nhau, tạo nên một thương hiệu không chỉ đa dạng về sản phẩm mà còn phong phú về chiều sâu lịch sử. Với sự điều hành và chiến lược phát triển hợp lý của Christian-Louis Col, Ikepod sẽ còn có thể tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Liên hệ nhà phân phối chính hãng thương hiệu IKEPOD tại Việt Nam:
Tại Hà Nội:
S&S WATCHES & JEWELRY
Sofitel Legend Metropole Hanoi, 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Hotline: (+84) 944 46 5555
Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00 từ Thứ Hai đến Chủ Nhật
Tại TP.HCM:
S&S WATCHES & JEWELRY
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: (+84) 283 821 6848
Giờ mở cửa: 10:00 – 21:00 từ Thứ Hai đến Chủ Nhật