Mayfair: Từ vùng đầm lầy trở thành nơi xa hoa nhất
Mayfair vốn là vùng đất đầm lầy thuộc dòng sông Tyburn ở phía tây Trung tâm London. Vào năm 1686, khu vực này được đặt tên "Mayfair" khi Vua James II cấp phép cho một hội chợ mùa xuân diễn ra tại đây, với mục đích mua bán gia súc. Ngày nay là Chợ Shepherd trong hai tuần đầu tiên của Tháng năm, Từ một khu chợ sầm uất xưa kia, Mayfair đã phát triển thành nơi ở của những doanh nhân thành đạt, nhà sưu tập nghệ thuật và những ai yêu thích phong cách sống tinh tế.


Mayfair, London, 1716 - Nguồn: Dunedin Public Art Gallery
Ngày nay, Mayfair là một quận thịnh vượng thuộc Thành phố Westminster, nằm ở rìa phía đông Công viên Hyde và thuộc khu vực West End của London. Đây cũng là một trong những khu vực có giá thuê bất động sản cao nhất tại London và trên thế giới, bởi đây là khu vực tập trung nhiều boutique, nhà hàng và khách sạn hạng sang, tập trung dọc theo con đường Piccadilly và Park Lane và hơn thế nữa là các văn phòng, trụ sở công ty và Tổng lãnh sự quán của nhiều quốc gia.


Phố Piccadilly, London - Nguồn: Internet
Mayfair còn là biểu tượng đặc biệt trong văn hóa đại chúng: đây là tài sản đắt nhất trong trò chơi Monopoly, với giá 400 bảng Anh, và thuộc nhóm màu xanh đậm cùng với Park Lane. Vẻ đẹp và sức hút của khu vực này cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như "Lý trí và tình cảm" của Jane Austen và "Bức chân dung của Dorian Gray" của Oscar Wilde, người từng sinh sống tại Quảng trường Grosvenor từ năm 1883 đến 1884 và lấy cảm hứng từ không gian nơi đây cho nhiều tác phẩm của mình.


Grosvenor Square - Nguồn: Grosvenor Square

Phố Bond - Nguồn: Independent
Dạo bước qua Quảng trường Grosvenor hay dọc phố Bond trứ danh với những cửa hiệu thời trang cao cấp, bạn sẽ cảm nhận rõ nét lịch sử và sự tinh tế hiện diện trong từng góc phố, từng kiến trúc cổ kính. Những câu lạc bộ tư nhân, phòng trưng bày nghệ thuật, và nhà hàng ẩn mình tạo nên bầu không khí thanh lịch.
Knightsbridge – vị thế tuyệt vời kết nối Harrods và Hyde Park
Nằm ở phía tây London, giữa Kensington và Westminster, Knightsbridge có tên gọi xuất phát từ tiếng Anh cổ, mang ý nghĩa "cầu của những kỵ binh". Ban đầu, khu vực này được chia cho các chính quyền địa phương và là nơi của một số giáo xứ. Ngày nay, Knightsbridge đã trở thành khu vực biểu tượng cho phong cách sống hiện đại, là nơi tọa lạc của những trung tâm mua sắm đắt đỏ nhất London, với Harrods là một trong những biểu tượng nổi bật. Không chỉ là địa chỉ mua sắm xa xỉ, Harrods còn là không gian gợi nhớ đến văn hóa và lịch sử đặc sắc của khu vực.

Trung tâm mua sắm dịp Giáng Sinh - Nguồn: Harpers Bazaar Arabia
Các biệt thự Edwardian và những con phố duyên dáng của Knightsbridge là nơi sinh sống của những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong ngành thời trang, tài chính và nghệ thuật. Nằm ngay phía nam công viên Hyde, một trong những công viên lớn và nổi tiếng nhất London, Knightsbridge kết nối với Vườn Kensington, tạo thành quần thể rộng 630 mẫu (253 hecta), được mệnh danh là “Lá phổi xanh của London”. Từng là khu săn bắn của Vua Henry VIII, ngày nay, công viên này là nơi lưu giữ nhiều di sản và đài tưởng niệm, với hàng loạt sự kiện được tổ chức quanh năm.


Công viên Hype - Nguồn: Historic UK


Biệt thự phong cách Edwardian - Nguồn: Homerun
Knightsbridge còn nổi bật là một trong những khu vực có giá bất động sản cao nhất thế giới, với căn hộ tại One Hyde Park từng được bán với giá kỷ lục lên tới 100 triệu bảng Anh vào năm 2007.
Nhờ vậy, Knightsbridge luôn là điểm đến hấp dẫn của những cá nhân ưu tú trên toàn cầu, nơi họ được tận hưởng cuộc sống được chăm sóc tỉ mỉ, bao quanh bởi các dịch vụ tiện ích hàng đầu, bao gồm ngân hàng cá nhân và các cửa hàng của các thương hiệu xa xỉ quốc tế.


Mandarin Oriental Hyde Park - Nguồn: Mandarin Oriental
Chelsea và Kensington: Thanh lịch và tinh tế
Chelsea, với nguồn gốc từ một lãnh địa và giáo xứ ở Ossulstone, Middlesex, chính thức trở thành Quận đô thị Chelsea vào năm 1900. Năm 1965, khi Đại London được thành lập, Chelsea sáp nhập cùng Kensington, tạo nên Quận hoàng gia Kensington và Chelsea, bao trọn cả phía Bắc bờ sông Thames.
Được biết đến như một khu vực độc quyền với giá bất động sản cao, Chelsea là nơi ra đời của thuật ngữ "Sloane Ranger" vào những năm 1970, mô tả nhóm cư dân đặc trưng của khu vực này và các vùng lân cận. Ngoài ra, Chelsea còn là nơi sinh sống của một trong những cộng đồng người Mỹ lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ, với 6,53% cư dân có nguồn gốc từ Mỹ.


Chelsea School of Art, 1964 - Nguồn: Layers of London
Khu vực này được bao quanh bởi các viện bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và những trường học danh tiếng, thu hút các gia đình tìm kiếm một môi trường sống an lành, nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn. Chelsea và Kensington cũng là mảnh đất của các huyền thoại âm nhạc khi từng là nơi ở của The Beatles và các thành viên Rolling Stones như Brian Jones, Mick Jagger và Keith Richards. Trong những năm 1970, khu vực World's End trên King's Road nổi lên cùng cửa hàng thời trang “SEX” của Malcolm McLaren và Vivienne Westwood tại số 430 King's Road – nơi khai sinh phong trào punk của Anh.


Vivienne Westwood & Malcolm McLaren trên phố King's Road - Nguồn: London Museum
Kiến trúc của Chelsea và Kensington nổi bật với những biệt thự phong cách Victoria, không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn là di sản văn hóa. Những căn nhà này thường sở hữu khu vườn rộng rãi, không gian thân thiện với thiên nhiên, tạo điều kiện cho các gia đình tận hưởng cuối tuần trong sự yên bình. Cuộc sống nơi đây còn đậm chất nghệ thuật và văn hóa, từ các buổi triển lãm nghệ thuật, sự kiện văn hóa đến những buổi tiệc trà ấm cúng – tất cả đều mang đến một phong cách sống thanh lịch và độc đáo cho cư dân Chelsea và Kensington.
St John’s Wood : Sự tĩnh lặng giữa lòng thành phố
St John's Wood, khu vực thanh lịch thuộc Thành phố Westminster, cách Charing Cross khoảng 2,5 dặm về phía tây bắc, là một trong những viên ngọc của London, nơi lịch sử và nét đẹp tinh tế hòa quyện. Ban đầu là phần phía bắc của giáo xứ cổ Marylebone, khu vực này trải dài từ Công viên Regent và Đồi Primrose ở phía đông đến Đường Edgware ở phía tây, giáp với Swiss Cottage ở phía bắc và Lisson Grove ở phía nam. Tên gọi St John's Wood xuất phát từ Lãnh địa Lileston, một trong những lãnh địa đầu tiên được Giáo xứ Marylebone quản lý.


Công viên Regent vào mùa hoa đào nở - Nguồn: Johngodley


Hoàng hôn trên đồi Primrose - Nguồn: Unsplash
Khác với kiến trúc phổ biến trong thành phố, St John's Wood là một trong những vùng ngoại ô đầu tiên được quy hoạch với các biệt thự thấp tầng và những đại lộ thanh bình, tránh xa khỏi vẻ ồn ào của các quảng trường vườn chung. Mặc dù nhiều biệt thự đã được phân chia và thay thế bằng các khu căn hộ sang trọng, nơi đây vẫn giữ vững nét quyến rũ riêng, làm nên một không gian sống đầy chất thơ, biệt lập và đắt giá giữa lòng London.


Một ngôi nhà tại St John’s Wood - Nguồn: msmrarchitects
St John's Wood còn in dấu ấn trong văn học với câu chuyện kinh điển “Vụ bê bối ở Bohemia” của Arthur Conan Doyle, nơi nhân vật Irene Adler sống tại Briony Lodge trên đại lộ Serpentine. Địa chỉ hư cấu này, như chính St John's Wood, đã đi vào lòng người với sức hút bí ẩn, như một lời mời gọi những ai yêu thích vẻ đẹp lịch lãm và yên bình của một London xưa đầy phong vị.
London không chỉ là trung tâm tài chính toàn cầu mà còn là nơi hội tụ của văn hóa, lịch sử, và phong cách sống sang trọng, yên bình hiếm có. Từ Mayfair hào hoa, Knightsbridge nhộn nhịp, Chelsea và Kensington lịch lãm, đến St John's Wood tĩnh lặng, mỗi khu vực mang trong mình một nét duyên độc đáo, đại diện cho phong cách sống cao cấp và bền vững của Anh Quốc. Đó là những không gian sống không chỉ có giá trị vật chất mà còn là những điểm tựa văn hóa và tinh thần, hấp dẫn mọi thế hệ. The Globetrotter mời bạn đến và khám phá những giá trị sâu sắc, trường tồn trong từng góc phố, từng tòa nhà - nơi mà mỗi chi tiết đều khắc họa tinh hoa và di sản của London.