Giải đua Công thức 1 (F1) là nơi hội tụ của tốc độ, công nghệ và sự bứt phá. Trải qua hơn 70 năm lịch sử, giải đua đã chứng kiến vô số màn tranh cúp vô địch kịch tính và McLaren cùng những tay đua huyền thoại cũng đã góp vào danh sách ấy nhiều trận tranh tài nghẹt thở.
Cùng điểm lại những màn tranh cúp vô địch kịch tính nhất của nhà McLaren
Giải đua F1 là đấu trường nơi những cuộc đua không chỉ thử thách tốc độ của cỗ máy mà còn thử thách bản lĩnh của tay đua. Alain Prost, Ayrton Senna, Mika Häkkinen và tay đua trẻ Lando Norris đều để lại dấu ấn không chỉ qua những chiến thắng mà còn là sự nhạy bén xử lý tình huống trong các trận đua.
1. Grand Prix Úc 1986: McLaren đối đầu hai tay đua tài năng đội Williams
Mùa giải 1986 được nhớ đến với cuộc chiến gay cấn giữa ba ứng cử viên: Alain Prost đội McLaren, Nigel Mansell và Nelson Piquet đội Williams. Mansell bước vào chặng đua cuối cùng tại Adelaide, Úc với lợi thế xuất phát đầu tiên, hỗ trợ ngay phía sau là Piquet xuất phát thứ 2. Việc Prost xuất phát ở vị trí thứ 4, xếp sau tận hai tay đua kì cựu nhà Ferrari khiến hi vọng McLaren giành chiến thắng trở nên nhỏ bé nhưng không ai ngờ tình thế đã lật ngược ở những vòng cuối.
Alain Prost (ngồi giữa) bên cạnh Nigel Mansell (ngồi trái) trước khi trận đua diễn ra, không ngờ tình thế sẽ lật ngược ở những vòng cuối
Khi chỉ còn 19 vòng chạy cuối cùng, lốp xe của Mansell phát nổ ở tốc độ cao, buộc anh phải rời cuộc đua. Sau nhiều màn đuổi bắt, lúc này Piquet đang là tay đua dẫn đầu đường chạy nhưng chứng kiến đồng đội gặp tai nạn, vì yếu tố an toàn, Ferrari yêu cầu Piquet cũng phải vào trạm thay lốp. Điều này đã vô tình mở đường cho Prost, người đang kiên trì bám sát ở vị trí phía sau, vượt lên dẫn đầu. Piquet ngay sau khi thay lốp đã lập tức quay lại áp sát Prost nhưng với chiếc đầu lạnh, tay đua nhà McLaren bình tĩnh nhấn ga và bảo toàn vị trí số 1 trong suốt những vòng còn lại. Cách biệt giữa Prost và Piquet chỉ vỏn vẹn 4,2 giây, tuy nhiên nhiêu đó cũng đã đủ để mang về chiếc cúp vô địch tay đua cho Prost với cách biệt so với Mansell chỉ là 2 điểm.
Chặng đua tại Úc năm ấy chính là một màn trình diễn của sự kịch tính, đồng thời cho thấy sự hấp dẫn của F1: trận đua chưa kết thúc thì không ai đoán được trước điều gì.
Alain Prost (đứng giữa) chiến thắng chiếc cúp vô địch tay đua năm 1986
2. Grand Prix Nhật 1991: Chiến lược dẫn đến chiến thắng đôi của Ayrton Senna
Ayrton Senna là một tay đua huyền thoại của McLaren, liên tục mang về cho đội đua Anh Quốc những chiếc cúp đôi – vô địch đội đua và vô địch tay đua – trong suốt 3 năm 1988, 1989, 1990. Với tài năng xuất chúng, tên tuổi của Senna thời điểm bấy giờ đã được đưa vào hàng dẫn đầu ngang với Mansell đến từ đội Williams, một tay đua đáng gờm đang trong đà đỉnh cao của sự nghiệp.
Ayrton Senna liên tục mang về cho đội đua Anh Quốc những chiếc cúp đôi năm 1988, 1989, 1990
Trước khi đến với chặng đua tại Suzuka, Nhật Bản, thành tích cá nhân trong mùa giải 1991 của Senna là chiến thắng 6 trận, còn Mansell là 5 trận. Tuy nhiên, nhìn vào thành thích toàn đội, McLaren cũng chỉ thắng đúng 6 trận nhờ vào công Senna còn đội Williams lại chiến thắng tận 7 trận. Chính vì vậy, chặng đua tại Nhật Bản được xem là trận quyết định liệu McLaren có tiếp tục giành được một lúc cả hai chiếc cúp hay không.
Chặng đua bắt đầu với Gerhard Berger, đồng đội của Senna, tay đua của McLaren thay thế cho Prost, xuất phát ở vị trí đầu. Theo sau Berger đó chính là Senna và sau Senna đó chính là Mansell. Khi trận đua đến vòng chạy thứ hai, tai nạn đã xảy ra khiến nhiều chiếc xe phải giảm tốc và trong lúc mọi người bị phân tâm, Senna hoàn toàn có thể vút lên dẫn đầu. Điều này sẽ giúp Senna mang về thêm một chiến thắng cá nhân, tuy nhiên, nếu làm vậy, Berger sẽ khó có thể cản phá thành công Mansell. Điểm số toàn đội của McLaren vốn đang thấp hơn nên Senna cần một chiến lược an toàn. Chủ động lùi về sau, Senna tạo cơ hội cho Berger dẫn đầu và bản thân cản phá các tay đua còn lại. Cả hai tay đua McLaren về đích lần lượt ở vị trí số 1 và 2. Chỉ trong khoảnh khắc, sự nhạy bén xử lý tình huống của Senna đã giúp McLaren giữ vững chuỗi chiến thắng vừa đoạt cúp vô địch cá nhân, vừa đoạt cúp vô địch đội đua.
Chiếc xe của Senna (màu đỏ) cản phá chiếc xe của Mansell (màu xanh)
Ayrton Senna, Gerhard Berger và Nigel Mansell (lần lượt từ trái qua phải) trên bục vinh quang
3. Grand Prix Nhật 1998: McLaren và Ferrari – “Kỳ phùng địch thủ”
Mùa giải năm 1998 chứng kiến cuộc chiến giành chức vô địch gay cấn giữa McLaren và Ferrari. Mika Häkkinen dẫn dắt McLaren với phong độ xuất sắc, trong khi Michael Schumacher là ngôi sao sáng của Ferrari. Hai đội đua liên tục đổi vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng.
Mika Häkkinen – McLaren (bên trái) và Michael Schumacher – Ferrari (bên phải) là hai tay đua “kỳ phùng địch thủ”
Bước vào trận cuối cùng tại Suzuka, Nhật Bản, tay đua Häkkinen chỉ hơn Schumacher 4 điểm, một khoảng cách rất mong manh và càng đặc biệt khó nhằn hơn khi tại chặng này, Schumacher là người được xuất phát ở vị trí thứ nhất, Häkkinen xuất phát vị trí thứ hai. Thế nhưng, mỉm cười đã đến với tay đua McLaren khi chiếc xe của Schumacher bị tắt máy ngay trước khi lá cờ bắt đầu cuộc đua phất lên. Häkkinen, người vốn xuất phát vị trí thứ hai, được đẩy lên đầu tiên và ngay lập tức, tay đua nhà McLaren đã không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng vút lên dẫn đầu cuộc đua.
Chiếc xe của Häkkinen nhanh chóng vút lên dẫn đầu cuộc đua
Tuy nhiên, Ferrari cũng là một đội mạnh và hai tay đua nhà Ferrari không hề từ bỏ dễ dàng. Với tài năng không thể phủ nhận, Schumacher từ cuối hàng đã nhảy vọt lên vị trí thứ 5 khi liên tục vượt mặt dễ dàng các chiếc xe còn lại. Eddie Irvine, người đồng đội của Schumacher cũng vượt lên vị trí số 2 và nhiều hơn một lần đưa Häkkinen vào tình thế nguy hiểm. Thế nhưng, may mắn lại mỉm cười một lần nữa với McLaren khi đến vòng chạy thứ 31, lốp của Schumacher bị nổ. Irvine tuy rất cố gắng nhưng vẫn không vượt được Häkkinen.
Nghẹt thở là tính từ miêu tả cho trận đua năm ấy và Häkkinen đã bảo vệ vị trí dẫn đầu xuất sắc trong suốt 51 vòng chạy, về đích trước Irvine 6 giây. Chiến thắng tại Suzuka là một chiến thắng vỡ òa cảm xúc cho người hâm mộ khi McLaren cùng một lúc nâng cao hai chiếc cúp vàng sau 7 năm lỡ hẹn: cúp vô địch đội đua cho McLaren và cúp vô địch tay đua cho chính Häkkinen.
Häkkinen mang về hai chiếc cúp vàng cho McLaren sau 7 năm lỡ hẹn
4. Grand Prix Abu Dhabi 2024: McLaren nâng cúp vô địch đội đua sau 26 năm
McLaren mở đầu mùa giải 2024 với thành thích không mấy khả quan. Kể từ sau chiến thắng năm 1998, McLaren chưa từng chạm tay vào lại chiếc cúp vô địch đội đua nên người hâm mộ cũng không mấy kì vọng vào những “tay đua áo cam” năm nay.
Thế nhưng, sau một loạt thay đổi nhân sự, McLaren lên như diều gặp gió. Liên tiếp 16 trận có sự xuất hiện của các tay đua McLaren trên bục vinh quang, trong đó 5 lần về đích thắng nhất. Cú lội ngược dòng với phong độ ổn định khiến những người hâm mộ McLaren bắt đầu tự hỏi liệu rằng năm nay sẽ khác thì ngay khi chỉ còn 4 trận nữa là giải đấu kết thúc, hai tay đua McLaren khiến mọi người thất vọng khi 3 lần liên tiếp rớt khỏi top 5. Khoảng cách điểm số giữa McLaren và đội hạng nhì là Ferrari vốn rất xa nhưng ngày càng thu hẹp lại.
Hai tay đua nhà McLaren được kỳ vọng rất nhiều ở chặng đua cuối
Bước vào chặng đua cuối cùng ở Abu Dhabi, áp lực đè nặng lên đôi vai hai tay đua trẻ nhà McLaren là Lando Norris và Oscar Piastri. Norris xuất phát ở vị trí đầu tiên, Piastri ở vị trí thứ hai, mang đến lợi thế lớn cho McLaren ngay từ vạch xuất phát. Tuy nhiên, ngay tại vòng đầu tiên, một va chạm không may đã xảy ra với Piastri khiến tay đua trẻ tuổi rơi xuống cuối đoàn ở vị trí thứ 19. Carlos Sainz, tay đua đến từ đội Ferrari, từ vị trí số 3 vượt lên áp sát Norris. Cùng lúc, Charles Leclerc, một thành viên khác cũng từ đội Ferrari, tận dụng tình thế hỗn loạn để nhảy vọt từ vị trí 19 lên hạng 8, tạo thêm áp lực cho McLaren trong cuộc đua vô địch.
Trong suốt chặng đua, Norris giữ vững tay lái và duy trì khoảng cách an toàn với Sainz, bất chấp những pha tấn công quyết liệt từ tay đua Ferrari. Ở phía sau, Piastri bắt đầu màn bứt phá ngoạn mục. Với sự kiên cường và kỹ thuật xuất sắc, Norris giữ vững vị trí số 1 và về đích đầu tiên, mang về cho McLaren 25 điểm. Tay đua Piastri cũng từng bước vượt qua các đối thủ, kết thúc chặng đua ở vị trí thứ 10, mang thêm 1 điểm quý giá về cho đội nhà.
Bất chấp những pha tấn công quyết liệt, chiếc xe đen cam đến từ nhà McLaren vẫn bảo toàn vị trí dẫn đầu xuất sắc
Đội Ferrari sau những pha bám sát gay gắt cũng đã về đích ở thứ hạng cao. Cả hai tay đua Ferrari đều bước lên bục vinh danh ở vị trí 2 và 3, tuy nhiên, sự cố gắng này là chưa đủ để nâng tổng số điểm của Ferrari cao hơn McLaren. 14 điểm là con số khoảng cách giữa McLaren và Ferrari và chính bởi khoảng cách điểm số rất nhỏ này càng khiến trận tranh cúp vô địch 2024 trở nên gay cấn.
Trận tranh cúp vô địch đội đua 2024 diễn ra vô cùng nghẹt thở và vinh quang đã thuộc về McLaren sau 26 năm chờ đợi
Những cuộc đua tranh chức vô địch tại F1 là câu chuyện về tốc độ, kết hợp với hành trình của ý chí và sự kiên cường. Các chiến thắng của McLaren là nơi hội tụ của những câu chuyện tràn đầy cảm hứng. Đây cũng chính là lý do vì sao F1 không chỉ là môn thể thao mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa tốc độ toàn cầu và McLaren là một trong những đội đua không thể không nhắc đến khi kể về F1.
McLaren Ho Chi Minh City
Deutsches Haus Ho Chi Minh City
33 Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0858970088
Giờ mở cửa: 9:00 – 18:00 từ thứ Hai đến Chủ Nhật
S&S Automotive Service Centre HCMC
Số 20 Cộng Hòa, Phường 12, Quận Tân Bình, TP.HCM
Hotline: 0858480088
Giờ mở cửa: 8:00 – 17:00 từ thứ Hai đến thứ Sáu