Trang chủ/Blog/Audemars Piguet trình làng bộ chuyển động lịch vạn niên thế hệ mới nhất kỷ niệm 150 năm của thương hiệu

Chuyên sâu

12/3/2025

Audemars Piguet trình làng bộ chuyển động lịch vạn niên thế hệ mới nhất kỷ niệm 150 năm của thương hiệu

Blog

Để đánh dấu khởi đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 150 năm thành lập, nhà chế tác Haute Horlogerie đến từ Thụy Sĩ Audemars Piguet hân hạnh giới thiệu thế hệ mới của bộ máy lịch vạn niên tự động – Calibre 7138, lần đầu tiên cho phép người dùng điều chỉnh toàn bộ chức năng thông qua một núm vặn duy nhất. Hướng tới tương lai, thương hiệu đã tái định nghĩa cơ chế lịch vạn niên – chức năng tái hiện chuyển động của các thiên thể, với trọng tâm là tối ưu hóa tính công thái học, đáp ứng phong cách sống hiện đại và mở ra những tiềm năng mới cả về kỹ thuật lẫn thiết kế. Thành quả sau cùng là một chức năng vô cùng phức tạp, cách mạng hóa trải nghiệm của giới mộ điệu với cơ chế lịch vạn niên đồng thời nâng cao khả năng hiển thị.

_____

SỰ HÒA QUYỆN GIỮA CÔNG THÁI HỌC VÀ HIỆU NĂNG TRONG BỘ MÁY LỊCH VẠN NIÊN MỚI CỦA AUDEMARS PIGUET

Bộ máy hoàn toàn mới này lần đầu tiên ra mắt trên mẫu Code 11.59 by Audemars Piguet 41mm bằng vàng trắng 18 carat, cùng hai phiên bản Royal Oak 41mm – một bằng thép không gỉ và một bằng vàng hồng cát 18 carat. Bên cạnh đó, bộ máy Calibre 7138 còn được trang bị trên ba phiên bản giới hạn kỷ niệm (mỗi mẫu được sản xuất với số lượng giới hạn 150 chiếc), với những chi tiết thẩm mỹ tinh tế tôn vinh di sản chế tác đồng hồ suốt 150 năm của Audemars Piguet. Năm năm nghiên cứu và phát triển đã tạo nên kiệt tác cơ khí này, được bảo hộ bởi năm bằng sáng chế và mở ra những chân trời sáng tạo mới trong thế giới Haute Horlogerie.

“Những cỗ máy thời gian thiên văn đã định hình thế giới của Audemars Piguet kể từ năm 1875. Để kỷ niệm 150 năm di sản chế tác và đổi mới đáng tự hào, các nghệ nhân và kỹ sư của chúng tôi đã đặt trải nghiệm người dùng làm trọng tâm, tạo nên một cơ chế lịch vạn niên hoàn toàn mới, vừa trực quan vừa dễ sử dụng. Để làm được điều này, đội ngũ đã phát minh ra một hệ thống độc nhất vô nhị, cho phép điều chỉnh toàn bộ chức năng chỉ bằng một núm vặn duy nhất – một đột phá cơ khí thực thụ, đòi hỏi phải tái cấu trúc hoàn toàn bộ máy. Điều kỳ diệu nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa độ phức tạp cơ học tinh vi và sự đơn giản trong trải nghiệm vận hành.”

Ilaria Resta - Giám đốc Điều hành Audemars Piguet chia sẻ.

_____

MỘT CHỨC NĂNG PHỨC TẠP KHỞI NGUỒN TỪ VŨ TRỤ

Từ thuở sơ khai, Mặt Trời chính là thước đo thời gian hàng ngày của con người, trong khi Mặt Trăng, các ngôi sao và chòm sao lại đóng vai trò như những tấm lịch của vũ trụ. Sự chuyển động của các thiên thể này đã đặt nền móng cho sự ra đời của những công cụ đo thời gian đầu tiên. Qua dòng chảy lịch sử, các thiết bị đo thời gian không ngừng phát triển, từ đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước cho tới những cỗ máy cơ học phức tạp và cuối cùng là những chiếc đồng hồ đeo tay tinh xảo.

Chức năng lịch vạn niên lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 18. Là một trong những cơ chế lịch thiên văn phức tạp bậc nhất hiện nay, lịch vạn niên sở hữu “trí nhớ” cơ học có khả năng ghi nhớ chu kỳ thời gian 48 tháng, tự động điều chỉnh số ngày khác nhau của từng tháng, thậm chí cả trong năm nhuận. Cơ chế tinh vi này chỉ cần can thiệp thủ công duy nhất mỗi thế kỷ để duy trì sự chính xác theo thời gian Mặt Trời! Gắn liền với dòng chảy lịch sử và sự vận hành của thiên nhiên, chức năng cổ điển này đã không ngừng khơi nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân chế tác đồng hồ qua nhiều thế hệ, thúc đẩy họ sáng tạo nên những bộ máy ngày càng phức tạp nhằm đưa con người đến gần hơn với vũ trụ và nhịp điệu tuần hoàn của nó.

_____

NÚM VẶN TÍCH HỢP ĐA CHỨC NĂNG 

Kế thừa di sản chế tác cùng những thành tựu phát triển trong quá khứ, đồng thời hướng tới tương lai, Audemars Piguet đã tái định nghĩa cơ chế lịch vạn niên với trọng tâm đặt vào tính công thái học, nhằm thích nghi với lối sống linh hoạt, hiện đại ngày nay.

Thông thường, đồng hồ lịch vạn niên truyền thống được trang bị các nút chỉnh (correctors) gắn bên hông vỏ, yêu cầu sử dụng dụng cụ chuyên dụng để điều chỉnh từng mặt số phụ. Hệ thống chỉnh thủ công lâu đời này có thể gây bất tiện cho người dùng, đặc biệt khi đồng hồ ngừng hoạt động trong một thời gian dài. Để nâng cao trải nghiệm sử dụng và mang lại thiết kế liền mạch cho vỏ đồng hồ, các kỹ sư của Audemars Piguet đã phát triển một hệ thống điều chỉnh hoàn toàn mới, trực quan và dễ sử dụng, cho phép thực hiện toàn bộ thao tác cài đặt lịch qua một núm vặn duy nhất. Nhờ đó, người dùng có thể điều chỉnh mọi chức năng của lịch vạn niên ở bất cứ đâu, không cần dụng cụ hỗ trợ và không lo làm hỏng bộ máy.

Núm vặn mới này được tích hợp 4 nấc điều chỉnh. Ở vị trí đầu tiên, người dùng có thể lên cót theo chiều kim đồng hồ. Kéo núm ra một nấc (vị trí 2) để chỉnh ngày theo chiều kim đồng hồ, đồng thời điều chỉnh tháng và năm nhuận theo chiều ngược lại. Kéo núm ra thêm một nấc nữa (vị trí 3) để chỉnh giờ và phút theo cả hai chiều. Cuối cùng, khi đẩy núm trở lại một nấc (vị trí 2’), người dùng có thể chỉnh ngày trong tuần và tuần theo chiều kim đồng hồ, và điều chỉnh chu kỳ tuần trăng theo chiều ngược lại.

Dưới sự đơn giản của hệ thống mới này là cả một cơ chế phức tạp, vận hành nhờ hệ thống đòn bẩy và bánh răng hành trình (wandering wheels) tiên tiến, giúp ăn khớp chính xác với các bánh răng lịch ở vị trí 2 và 2’. Đột phá kỹ thuật này được bảo vệ bởi hai bằng sáng chế: một dành cho hệ thống chỉnh tích hợp với vị trí 2’, và một dành cho cơ chế chỉnh tháng và ngày qua núm vặn.
_____

MẶT SỐ KẾT HỢP GIỮA TÍNH DỄ ĐỌC VÀ SỰ HÀI HÒA THẨM MỸ

Mặt số chính và các mặt số phụ đã được bố trí để tối ưu hóa khả năng quan sát, tính đối xứng và sự hài hòa về mặt thẩm mỹ. Đồng hồ nay áp dụng định dạng hiển thị ngày kiểu châu Âu, với thứ được đặt ở vị trí 9 giờ, ngày ở vị trí 12 giờ và tháng tại vị trí 3 giờ. Số tuần được in trên viền bezel trong, tương tự các mẫu lịch vạn niên trước đây. Tuy nhiên, thay vì tuần thứ 52, tuần đầu tiên của năm (“1”) giờ đây được đặt ở vị trí 12 giờ. Theo cùng nguyên tắc sắp xếp, thứ Hai (Monday) và ngày mùng 1 (1) cũng được canh thẳng hàng tại vị trí 12 giờ trên mặt số phụ tương ứng, tượng trưng cho sự khởi đầu của tuần mới và tháng mới.

Mặt số tại vị trí 12 giờ còn được trang bị cơ chế nhảy tiến dần (progressive step) dành riêng cho chức năng hiển thị ngày – một sáng chế đã được cấp bằng độc quyền. Các đội ngũ kỹ thuật của Audemars Piguet đã phát triển một bánh răng ngày (date wheel) với 31 răng có kích thước tùy chỉnh, sao cho phù hợp với độ rộng của từng chữ số, giúp cải thiện đáng kể khả năng quan sát.

Để tạo sự cân xứng hoàn hảo với mặt số phụ tại vị trí 3 giờ (hiển thị tháng và năm nhuận), một thang đo 24 giờ đã được tích hợp vào mặt số phụ tại vị trí 9 giờ (hiển thị thứ). Ngoài ra, khu vực “cấm chỉnh giờ” được đánh dấu bằng sắc đỏ từ 21 giờ đến 3 giờ sáng, cho biết khoảng thời gian người dùng không nên thực hiện các thao tác cài đặt. Tuy nhiên, nếu người dùng vô tình điều chỉnh trong khoảng thời gian này, cơ chế ngày có thể không nhảy chính xác, nhưng bộ máy sẽ không gặp rủi ro hư hỏng.

Chức năng lịch tuần trăng (moon phase), vốn tái hiện chân thực hình ảnh Mặt Trăng dựa trên tư liệu của NASA, vẫn được đặt tại vị trí 6 giờ như các phiên bản trước. Tuy nhiên, hình ảnh trăng tròn giờ đây được căn chỉnh chính giữa trục 12 giờ, góp phần hoàn thiện tổng thể bố cục hài hòa cho mặt số.

_____

BỘ CHUYỂN ĐỘNG KẾT HỢP GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ ĐỔI MỚI

Bộ máy lịch vạn niên tự động mới do Audemars Piguet phát triển hoàn toàn kết tinh từ những công nghệ nghiên cứu tiên tiến nhất cùng với bề dày kinh nghiệm chế tác đồng hồ thủ công lâu đời. Calibre 7138 tự động xác định chính xác số ngày trong từng tháng và hiển thị đúng ngày cũng như tuần, kể cả trong các năm nhuận. Trong điều kiện đồng hồ được lên cót đầy đủ và hoạt động liên tục, lịch ngày sẽ không cần điều chỉnh thủ công cho đến năm 2100 – thời điểm lịch cần được canh chỉnh để đồng bộ với lịch Gregory.

Dựa trên nền tảng bộ máy tự động Calibre 7121, Calibre 7138 hoạt động ở tần số 4Hz (28,800 dao động/giờ) và cung cấp mức dự trữ năng lượng tối thiểu 55 giờ.

Calibre 7138 cũng kế thừa và phát triển những cải tiến kỹ thuật từng được cấp bằng sáng chế trên Calibre 5133 – bộ máy ra mắt lần đầu vào năm 2018 cùng mẫu Royal Oak Selfwinding Perpetual Calendar Ultra-Thin RD#2. Calibre 5133 nổi bật nhờ tích hợp toàn bộ các chức năng lịch vạn niên vào cùng một lớp duy nhất trong bộ máy. Tương tự, chi tiết end-of-month cam của Calibre 7138 được tích hợp trực tiếp vào bánh răng ngày (date wheel), trong khi cam tháng (month cam) được kết hợp với bánh răng tháng (month wheel).

Hệ thống điều chỉnh bằng núm vặn (crown corrections) tạo thành một lớp thứ hai, giúp bộ máy duy trì độ mỏng ấn tượng chỉ 4,1mm. Calibre 7138 được hoàn thiện theo tiêu chuẩn Haute Horlogerie tinh xảo với các kỹ thuật trang trí truyền thống như Côtes de Genève, chải satin, tạo vân tròn (circular graining), vân xoáy (snailing), và vát cạnh đánh bóng (chamfering) – tất cả đều có thể chiêm ngưỡng qua lớp kính sapphire trong suốt của đồng hồ.

“Calibre 7138 đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong thiết kế bộ máy lịch vạn niên. Bằng cách đặt yếu tố công thái học làm trọng tâm trong quá trình nghiên cứu và phát triển, chúng tôi đã tạo ra một cơ chế hiệu chỉnh độc đáo cho phép thực hiện toàn bộ thao tác điều chỉnh thông qua núm vặn. Không chỉ giúp việc vận hành một cỗ máy phức tạp trở nên đơn giản, chúng tôi còn chú trọng đến tính thẩm mỹ tổng thể, kết hợp giữa khả năng hiển thị rõ ràng và vẻ đẹp thanh lịch vượt thời gian.”

Lucas Raggi - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Audemars Piguet chia sẻ. 

_____

MỘT BỘ CHUYỂN ĐỘNG – BA PHIÊN BẢN THANH LỊCH

Calibre 7138 lần đầu tiên ra mắt cùng ba mẫu đồng hồ 41mm, bao gồm một mẫu thuộc bộ sưu tập Code 11.59 by Audemars Piguet và hai mẫu Royal Oak. Việc loại bỏ các nút chỉnh ở cạnh vỏ không chỉ tôn lên vẻ thanh thoát của ba thiết kế mới mà còn nâng cấp khả năng chống nước — đạt 50m đối với các mẫu Royal Oak và 30m đối với Code 11.59 by Audemars Piguet, so với mức 20m của các phiên bản lịch vạn niên trước đó trong hai bộ sưu tập này.

Phiên bản mới 41mm thuộc dòng Code 11.59 by Audemars Piguet tiếp tục khẳng định sự giao thoa tinh tế giữa kỹ thuật chế tác hiện đại và tay nghề thủ công truyền thống. Cỗ máy được chế tác từ vàng trắng 18 carat, với cấu trúc nhiều lớp phức tạp, được làm nổi bật nhờ kỹ thuật chải xước satin và vát bóng thủ công, tạo nên những hiệu ứng ánh sáng đầy cuốn hút. Chiếc đồng hồ còn được tô điểm bằng mặt số xanh khói PVD, mang họa tiết dập nổi đặc trưng của bộ sưu tập.

Họa tiết này gồm các vòng tròn đồng tâm lan tỏa từ trung tâm mặt số, được trang trí bằng hàng trăm lỗ nhỏ li ti, mang lại chiều sâu và sức sống cho tổng thể thiết kế. Mẫu hoa văn độc đáo này lần đầu tiên xuất hiện trong bộ sưu tập vào năm 2023, được tạo nên nhờ sự hợp tác giữa Audemars Piguet và nghệ nhân chạm khắc guilloche người Thụy Sĩ Yann von Kaenel, người đã chế tác thủ công các khuôn dập gốc.

Hoàn thiện vẻ đẹp thanh lịch của mặt số là bộ kim phủ dạ quang bằng vàng trắng 18 carat, các cọc số bằng vàng trắng và các chỉ báo lịch màu trắng, tạo nên bố cục hai tông màu hài hòa. Chiếc đồng hồ được đi kèm dây đeo cao su phủ lớp da bê, mang sắc xanh đồng điệu với mặt số, và được tô điểm thêm bằng họa tiết vải dệt hiện đại, tạo nên nét phá cách trẻ trung và thời thượng.

_____

HAI PHIÊN BẢN ROYAL OAK TÔN VINH VẺ ĐẸP TINH TẾ

Mẫu Royal Oak đầu tiên mang vẻ đẹp hai tông màu thanh lịch, kết hợp giữa phần vỏ và dây đeo bằng thép không gỉ cùng mặt số Grande Tapisserie phủ PVD xanh lam. Các mặt số phụ và viền bezel bên trong cũng được xử lý cùng tông màu xanh lam, tạo nên sự đồng bộ hoàn hảo. Mặt số được tô điểm thêm bởi bộ kim và cọc số bằng vàng trắng 18 carat, phủ chất phát quang để đảm bảo khả năng hiển thị tối ưu. Các chỉ báo lịch màu trắng được in trên viền bezel và các mặt số phụ, tạo điểm nhấn cuối cùng hoàn thiện tổng thể thiết kế.

Mẫu Royal Oak thứ hai mang đến phong cách đơn sắc hiện đại với hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Vỏ và dây đeo đều được chế tác từ vàng cát 18 carat — hợp kim quý kết hợp giữa vàng, đồng và palladium, lần đầu tiên được giới thiệu trong bộ sưu tập Royal Oak vào năm 2024. Sắc vàng cát nằm giữa vàng trắng và vàng hồng, cho phép màu sắc thay đổi tùy theo góc nhìn và ánh sáng, mang đến vẻ ấm áp và cuốn hút cho cỗ máy thời gian.

Kỹ thuật hoàn thiện bề mặt nổi tiếng của Audemars Piguet, với sự đan xen giữa các mảng chải satin và vát bóng, càng tôn lên sắc thái chuyển đổi phong phú của chất liệu đặc biệt này. Chiếc đồng hồ sở hữu mặt số Grande Tapisserie, các mặt số phụ và viền bezel bên trong đều được hoàn thiện với cùng tông vàng cát thông qua kỹ thuật mạ điện (galvanic treatment). Bộ kim và cọc số bằng vàng trắng 18 carat phủ dạ quang giúp tăng cường khả năng hiển thị, trong khi các chỉ báo lịch màu đen trên mặt số phụ và vòng bezel bên trong tạo nên sự tương phản nhẹ nhàng, tinh tế.

Cả ba phiên bản đều được trang bị lớp kính sapphire, cho phép người chủ nhân chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp cơ học tinh xảo của Calibre 7138.

_____

BA PHIÊN BẢN GIỚI HẠN “ANNIVERSARY”

Để kỷ niệm cột mốc 150 năm thành lập, ba mẫu đồng hồ vừa được giới thiệu cũng được ra mắt dưới dạng phiên bản giới hạn "anniversary" với số lượng chỉ 150 chiếc mỗi mẫu. Về mặt thẩm mỹ, ba phiên bản đặc biệt này vẫn giữ nguyên thiết kế của các mẫu thuộc bộ sưu tập chính thức, nhưng được bổ sung thêm những chi tiết trang trí tinh tế dành riêng cho dịp kỷ niệm đặc biệt này.

Cụ thể, logo “Audemars Piguet” cổ điển, lấy cảm hứng từ các tài liệu lưu trữ lịch sử, được tích hợp tinh tế trong mặt số phụ lịch tuần trăng ở vị trí 6 giờ. Bên cạnh đó, cả ba phiên bản giới hạn đều được khắc đặc biệt trên lớp kính sapphire: logo “150” được thiết kế riêng cho sự kiện kỷ niệm và dòng chữ “1 of 150 pieces” khẳng định tính độc bản của mỗi chiếc đồng hồ.

“Thiên văn học chính là cội nguồn của nghệ thuật chế tác đồng hồ. Lịch sử đo lường thời gian khởi nguồn từ việc quan sát bầu trời và xây dựng các hệ thống lịch để điều chỉnh nhịp sống xã hội theo ngày, tháng và năm. Đồng hồ lịch cũng dần phát triển để tái hiện các chu kỳ của những thiên thể thông qua sự kết hợp của các bánh cam và bánh răng nhỏ. Trong số đó, lịch vạn niên - một trong những cơ chế phức tạp nhất - có thể ví như một chiếc máy tính cơ học thu nhỏ trên cổ tay, có khả năng duy trì ngày tháng chính xác trong suốt một thế kỷ. Đồng hồ lịch vạn niên đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lịch sử của Audemars Piguet từ năm 1875.”

Ông Sébastian Vivas - Giám đốc Di sản và Bảo tàng Audemars Piguet chia sẻ.

_____

150 NĂM KHỞI NGUỒN SÁNG TẠO

Đồng hồ thiên văn có mối liên kết sâu sắc với di sản chế tác đồng hồ của vùng Vallée de Joux, nơi các nghệ nhân đồng hồ luôn tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận từ bầu trời đêm trong vắt. Lịch sử chế tác đồng hồ thiên văn của Audemars Piguet khởi nguồn từ hai mẫu đồng hồ bỏ túi đầu tiên của hai nhà sáng lập, được hoàn thiện vào khoảng năm 1875. Chiếc đồng hồ được cho là của Jules Louis Audemars (thuộc Bộ sưu tập Di sản AP, mã số Inv. 8), kết hợp giữa lịch vạn niên, bộ điểm chuông theo từng phần tư giờ và kim giây độc lập dạng deadbeat vô cùng hiếm gặp. Chiếc đồng hồ này đã trải qua nhiều lần cải tiến tại các xưởng chế tác của thương hiệu trong suốt hai thập kỷ tiếp theo. Tuy vậy, trong hai mươi năm đầu tiên, những chiếc đồng hồ có tính năng lịch chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng sản lượng của Audemars Piguet.

Chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên của Audemars Piguet có chức năng lịch hoàn chỉnh được đưa vào sản xuất năm 1921 và được bán ba năm sau đó cho nhà bán lẻ danh tiếng Gübelin. Từ năm 1921 đến năm 1970, Audemars Piguet chỉ sản xuất tổng cộng 188 chiếc đồng hồ lịch hoàn chỉnh – chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng của hãng trong giai đoạn này. Năm 1955, Audemars Piguet ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay lịch vạn niên đầu tiên trên thế giới có hiển thị năm nhuận, với tổng cộng 9 chiếc được chế tác từ năm 1955 đến năm 1957.

Thương hiệu tiếp tục ghi dấu mốc quan trọng vào năm 1978, ngay giữa cuộc khủng hoảng đồng hồ quartz, khi ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay lịch vạn niên tự động mỏng nhất thế giới thời bấy giờ – Calibre 2120/2800. Được bí mật phát triển bởi ba nghệ nhân đồng hồ, bộ máy đột phá này đạt được độ mỏng đáng kinh ngạc (3,95 mm) nhờ dựa trên nền tảng của Calibre 2120 siêu mỏng (chỉ 2,45 mm), ra mắt năm 1967. Trong 18 năm tiếp theo, hơn 7.000 bộ máy đã được sản xuất, lắp ráp và bán ra thị trường, mở ra kỷ nguyên tăng trưởng mới cho Audemars Piguet và đặt nền móng cho sự hồi sinh của những cỗ máy phức tạp cổ điển. Năm 1984, calibre này tiếp tục được trang bị trên chiếc Royal Oak Perpetual Calendar đầu tiên (đường kính 39mm), mẫu 5554, và sau đó xuất hiện trong nhiều phiên bản khác thuộc bộ sưu tập Royal Oak.

Ra mắt năm 2015, Calibre 5134 tiếp tục tinh chỉnh bộ máy lịch vạn niên để phù hợp với bộ vỏ đồng hồ đường kính 41mm, đồng thời duy trì độ mỏng ấn tượng 4,3 mm. Bộ máy này lần đầu tiên được lắp trong mẫu Royal Oak hoàn toàn mới, mang vẻ đẹp năng động và hiện đại, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của tính năng lịch vạn niên – vốn đã suy giảm sức hút kể từ cuối thế kỷ 20. Sự phục hưng này được khẳng định vào năm 2017 khi Royal Oak Perpetual Calendar 26579CE bằng ceramic đen ra mắt và nhanh chóng gây tiếng vang. Calibre 5134 đã được sử dụng rộng rãi trong các mẫu đồng hồ lịch vạn niên của Audemars Piguet cho đến năm 2024, khi nó chính thức khép lại hành trình lịch sử với phiên bản Royal Oak Perpetual Calendar "John Mayer" Limited Edition, đánh dấu chương cuối cùng của một hành trình bắt đầu từ năm 1978.

Royal Oak Selfwinding Perpetual Calendar Ultra-Thin 41mm, hay còn gọi là RD#2 

Năm 2018, Audemars Piguet mở ra một chương mới trong lịch sử dòng đồng hồ lịch vạn niên khi ra mắt Royal Oak Selfwinding Perpetual Calendar Ultra-Thin 41mm, hay còn gọi là RD#2 – chiếc đồng hồ đeo tay lịch vạn niên tự động mỏng nhất thế giới thời điểm đó. Với độ dày chỉ 6,3mm, chiếc đồng hồ chứa bộ máy Calibre 5133 siêu mỏng, dày vỏn vẹn 2,89mm, được thiết kế lại hoàn toàn để tích hợp tất cả các chức năng lịch vạn niên trên cùng một mặt phẳng, mở ra một thế hệ đồng hồ thiên văn hoàn toàn mới.

Kế thừa những sáng tạo được cấp bằng sáng chế từng giúp RD#2 trở thành biểu tượng, Calibre 7138 tiếp tục đẩy giới hạn của những điều tưởng chừng không thể, mang đến một bộ máy phức tạp nhưng thân thiện với người dùng, có thể dễ dàng điều chỉnh ở bất kỳ đâu mà không cần công cụ. Một kiệt tác cơ học mang tính công thái học, mở ra những chân trời mới cho Audemars Piguet cả về công nghệ lẫn thẩm mỹ.

“Seek Beyond” 

_____

𝐀𝐮𝐝𝐞𝐦𝐚𝐫𝐬 𝐏𝐢𝐠𝐮𝐞𝐭

Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: 0283 620 8787

Giờ mở cửa: 10:00 am – 9:00 pm từ thứ Hai đến Chủ Nhật



loader