Trang chủ/Blog/Audemars Piguet Royal Oak Concept – Sự ‘nổi loạn’ trong giới Haute Horlogerie

Chuyên sâu

18/10/2024

Audemars Piguet Royal Oak Concept – Sự ‘nổi loạn’ trong giới Haute Horlogerie

Blog

Ra mắt vào năm 2002 để kỷ niệm 30 năm thành lập Royal Oak, Royal Oak Concept đã thiết lập một phong cách thẩm mỹ hoàn toàn mới cho nghệ thuật chế tác đồng hồ cao cấp – Haute Horlogerie của thế kỷ 21. 


ROYAL OAK CONCEPT – NỀN TẢNG CHO SỰ ĐỔI MỚI

Tương tự như Haute Couture trong thiết kế thời trang và Haute Cuisine trong ẩm thực, Haute Horlogerie đại diện cho những tiêu chuẩn cao nhất trong chế tác đồng hồ. Một chiếc đồng hồ được đánh giá là Haute Horlogerie khi sở hữu một hoặc nhiều yếu tố khác nhau, từ bộ máy có nhiều chức năng phức tạp cho đến nét thẩm mỹ và độ hoàn thiện tinh xảo của cả bộ vỏ, dây đeo và bộ chuyển động bên trong. Mỗi thương hiệu sẽ dựa vào di sản cũng như thế mạnh của mình để đạt được Haute Horlogerie theo nhiều hướng tiếp cận riêng biệt, từ gìn giữ kỹ nghệ truyền thống lâu đời cho đến những cỗ máy siêu phức tạp hoặc khảm nhiều đá quý. Riêng với Audemars Piguet, thương hiệu đã chọn một hướng đi tiên phong khi tập trung vào tính đương đại và đi ngược lại với hầu hết những thiết kế lúc bấy giờ, một cỗ máy thời gian “nổi loạn” đúng nghĩa – Royal Oak Concept.  

CW1 – Chiếc Royal Oak Concept đầu tiên ra mắt năm 2002

Chiếc Royal Oak Concept đầu tiên ra đời vào năm 2002 để kỷ niệm 30 năm thành lập của BST Royal Oak biểu tượng. Sébastian Vivas, Giám đốc Bảo tàng và Di sản tại Audemars Piguet chia sẻ rằng: “Ban đầu Concept chỉ là một sự thay đổi về phong cách thiết kế của thương hiệu”. Tuy nhiên, từng bước, dòng Concept đã hình thành nên bản sắc riêng của mình. 

Photo: Swisswatches Magazine

Royal Oak Concept vào thời điểm đó sở hữu tính thẩm mỹ táo bạo cùng kiểu dáng hiện đại, điều mà các nhà sưu tầm khó có thể tìm thấy ở những chiếc đồng hồ khác lúc bấy giờ. Nhiệm vụ ban đầu của các nghệ nhân là tập trung cải tiến về mặt kỹ thuật cho chiếc đồng hồ, đảm bảo nó có thể chịu đựng được sự va đập mà không ảnh hưởng đến bộ máy bên trong. Để đạt được điều đó, chiếc Concept đầu tiên (Royal Oak Concept CW1) có bộ vỏ được làm bằng Alacrite 602, một hợp kim cải tiến của coban, chrome, vonfram, silicon và sắt, có độ bền vượt trội so với thép nhưng chưa từng được sử dụng trong bất kỳ chiếc đồng hồ nào khác. Viền bezel được làm bằng titan đánh bóng. Bản thân bộ chuyển động của CW1 đóng vai trò như một mặt số, đồng thời cung cấp các chức năng mới, bao gồm máy đo lực (hiển thị chất lượng của mô-men xoắn trên dây cót), bộ chọn chức năng và chỉ báo tuyến tính về số vòng quay của thùng cót. 

Photo: Swisswatches Magazine

Cuối cùng, phần dây đeo của CW1 được làm từ sợi kevlar (một chất liệu có độ cứng gấp 5 lần thép nhưng có tính dẻo và thường được dùng làm áo chống đạn). Trong khi việc mặt số phơi bày các bộ phận của bộ máy phức tạp là tiêu chuẩn trong giới chế tác đồng hồ cao cấp ngày nay, thì chiếc Royal Oak Concept đầu tiên đã bứt phá khỏi ranh giới chế tạo đồng hồ truyền thống, được cho là đã thay đổi bộ mặt của thương hiệu mãi mãi. Với nhiều điểm đặc biệt, CW1 đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng cầu nối giữa chế tác đồng hồ truyền thống và thiết kế tương lai.

Lucas Raggi, Giám đốc phát triển của Audemars Piguet, cho biết: “Concept đại diện cho sự tự do, phóng khoáng và những ý tưởng điên rồ. Chúng tôi coi đây là cơ hội để các nghệ nhân khám phá về cơ chế, vật liệu, công thái học, đồng thời phát triển chúng trở thành một trong những chiếc đồng hồ đầu tiên không có mặt số.”

_____

NHỮNG CỘT MỐC ĐẦU TIÊN

Trong khoảng thời gian 13 năm từ CW1 cho đến RD#1 (2002 – 2015) – Audemars Piguet tiếp tục dành sự đổi mới cho Concept. Concept Carbon 2008 là cơ hội để thương hiệu thử nghiệm carbon, titanium và ceramic, từ đó tạo tiền đề cho những mẫu đồng hồ hoàn toàn bằng ceramic trong tương lai. Chiếc đồng hồ này nổi bật với Calibre 2895 cùng hộp cót đôi cho khả năng dự trữ năng lượng trong 237 giờ, bên cạnh bộ chọn chức năng và tính năng Chronograph.

Vào năm 2011, Audemars Piguet đã giới thiệu chiếc Royal Oak Concept Tourbillon GMT đầu tiên với bộ vỏ được chế tác bằng titanium và ceramic đen. Mặt số bao gồm lồng tourbillon của bộ chuyển động openworked, phần cầu nối màu đen có hình dạng đồng hồ cát, vị trí nút crown và chỉ báo múi giờ thứ hai. Royal Oak Concept Tourbillon GMT tiếp tục được phát triển vào năm 2014 với việc cho ra mắt một phiên bản kết hợp titan với ceramic trắng.

“Concept có một ưu điểm đối với các nghệ nhân là nó khá dày. Khi bạn muốn thử nghiệm một số cơ chế mới, đôi khi sẽ cần thêm một chút không gian bên trong để thực hiện. Vì vậy, Concept là BST không thể phù hợp hơn để chúng tôi khám phá và phát triển kỹ nghệ chế tác đồng hồ.”, ông Raggi chia sẻ. 

Royal Oak Concept Laptimer Michael Schumacher

Royal Oak Concept Laptimer Michael Schumacher được giới thiệu vào năm 2015 là phiên bản mà Audemars Piguet tập trung vào đổi mới tính năng Chronograph. Bộ máy Calibre 2923 điều khiển hai chronograph trung tâm có thể kích hoạt độc lập thông qua ba nút bấm. Hai nút bấm tiêu chuẩn vẫn hoạt động bình thường, trong khi nút thứ ba ở vị trí 9 giờ sẽ dừng một kim và khởi động lại kim còn lại, cho phép tính thời gian giữa các vòng chạy. 

Chiếc Royal Oak Concept RD#1 Supersonnerie với bộ vỏ từ platinum, được trang bị chức năng Minute Repeater, Chronograph và cả Tourbillon

Năm 2015 cũng chứng kiến sự ra đời của nguyên mẫu Royal Oak Concept Supersonnerie, hay còn được biết với cái tên RD#1. Công nghệ được sử dụng cho chiếc đồng hồ này là thành quả của tám năm nghiên cứu cộng tác với EPFL, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne và một số những chuyên gia, bao gồm các nhạc sĩ, để khôi phục âm sắc của các mẫu đồng hồ điểm chuông cũ. 

Royal Oak Concept “Black Panther” Flying Tourbillon

Royal Oak Concept Tourbillon “Spider Man”

Royal Oak Concept Flying Tourbillon “Tamara Ralph” dành cho phái đẹp – Sự kết hợp giữa Haute Horlogerie và Haute Couture

Từ năm 2015 trở đi, Audemars Piguet tiếp tục trình làng các phiên bản Royal Oak Concept với nhiều sự thay đổi về chất liệu cho đến công năng, chẳng hạn như Royal Oak Concept “Black Panther” Flying Tourbillon hay Royal Oak Concept Tourbillon “Spider Man” kết hợp với Marvel, hoặc Royal Oak Concept Flying Tourbillon “Tamara Ralph”, v.v… Trong số đó, nổi bật hơn cả là chiếc Royal Oak Concept Split-Seconds Chronograph GMT Large Date được áp dụng công nghệ tiên tiến và chiếc Royal Oak Concept Flying Tourbillon Ceramic xanh kỷ niệm 20 năm thành lập của BST. 

_____

ROYAL OAK CONCEPT SPLIT-SECONDS CHRONOGRAPH GMT LARGE DATE

Vào đầu năm 2023, Audemars Piguet lần đầu tiên cho ra mắt thiết kế Selfwinding Split-Seconds Chronograph tích hợp tính năng GMT cho bộ sưu tập Royal Oak Concept. Lấy cảm hứng từ chính vẻ ngoài đậm chất công nghệ cao của bộ sưu tập, thiết kế lần này đã đưa tính thẩm mỹ của tương lai, khía cạnh công thái học và kỹ nghệ chế tác trên Royal Oak Concept lên một tầm cao mới. Ngoài bộ vỏ với kích thước 43mm cùng tính năng tự thay dây lần đầu tiên được giới thiệu ở bộ sưu tập này, Audemars Piguet còn thể hiện sự biến hóa với kết cấu, ánh sáng và chiều sâu với bộ vỏ titanium 3 chiều mang tính đương đại cao.

“Chúng tôi rất vinh dự khi giới thiệu mẫu selfwinding flyback chronograph đầu tiên được trang bị cơ chế split-seconds của Audemars Piguet. Tính năng kinh điển này đã được thiết kế lại hoàn toàn để phù hợp với một chiếc đồng hồ thể thao rất đương thời mang lại độ ổn định tối ưu phù hợp với hiện tại. Thành quả có được là công sức của nhiều bộ phận khác nhau với chuyên môn sản xuất các bộ máy siêu phức tạp.”
Lucas Raggi -Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Audemars Piguet chia sẻ. 

Cùng với sự ra đời của kích thước vỏ 43mm mới, chiếc đồng hồ bằng titanium này còn có một diện mạo đa mặt tạo sự linh hoạt về ánh sáng và mức độ tương phản. Ngoài ra kiến trúc phức tạp của bộ vỏ còn đòi hỏi các quy trình sản xuất và lập trình phức tạp để đạt được sự cân bằng phù hợp giữa công thái học và thiết kế tối tân. Vỏ và viền bezel được làm hơi cong để phù hợp với hình dạng tự nhiên của cổ tay, tạo cảm giác thoải mái khi đeo mặc dù đồng hồ có kích thước lớn.

Các đường nét mạnh mẽ của bộ sưu tập càng được nhấn mạnh bởi chi tiết núm crown và các nút bấm bằng ceramic đen. Bộ phận cố định các nút bấm ở hướng hai, bốn, và chín giờ đều được hoàn thiện bằng kỹ thuật phun cát, chải satin và vát cạnh. 

Đương đại từ vẻ ngoài đến các chi tiết của bộ máy bên trong, mẫu đồng hồ mới được vận hành bởi bộ chuyển động Calibre 4407 – một kỳ tích của kỹ thuật cơ khí cùng kỹ nghệ chế tác công nghiệp, kết hợp cơ chế flyback chronograph với split seconds, cùng chức năng GMT, và ô hiển thị ngày lớn, tất cả đều được gói gọn chỉ trong bộ vỏ của chiếc Royal Oak Concept. Dựa trên bộ chuyển động Calibre 4401 đã ra mắt trước đó năm 2019 của thiết kế CODE 11.59 by Audemars Piguet, đây là lần đầu tiên bộ chuyển động này được đem vào bộ sưu tập Royal Oak Concept.

Mặc dù kết hợp các tính năng công nghệ cao, Calibre 4407 vẫn tiếp tục phát huy truyền thống chế tạo đồng hồ tinh xảo, khi phô bày các kỹ thuật trang trí thanh lịch của ngành chế tác đồng hồ như phun cát, sa tanh tròn, vân tròn và vát bóng, tất cả đều có thể nhìn thấy ở mặt sau qua lớp kính sapphire của đồng hồ.

_____

ROYAL OAK CONCEPT FLYING TOURBILLON GMT

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm của BST Royal Oak Concept, Audemars Piguet đã trình làng phiên bản Royal Oak Concept Flying Tourbillon GMT 44mm mới có bộ vỏ bằng titanium cùng viền bezel, nút crown và các nút bấm đều được làm từ ceramic xanh. Mặc dù ceramic xanh lần đầu tiên được Audemars Piguet giới thiệu trong BST Royal Oak Offshore vào năm 2018, nhưng cho đến năm 2022 thì chất liệu này mới xuất hiện trên Royal Oak Concept. 

Bột zirconium Oxide (ZrO2), được biến đổi để thu được sắc tố xanh sau khi nung, được trộn với hàm lượng chất kết dính chuyên dụng trước khi chuyển thành ceramic thông qua quy trình công nghiệp phức tạp đòi hỏi các giai đoạn gia công có độ chính xác cao khác nhau. Thành phần chính xác của ceramic vẫn được Audemars Piguet giữ bí mật, và hỗn hợp chỉ đạt được màu xanh lục cuối cùng sau khi chúng được thiêu kết ở nhiệt độ hơn 1.400°C. 

Theo quy tắc thiết kế của Royal Oak Concept, bộ chuyển động bên trong thường sẽ chiếm vị trí trung tâm trên cả mặt số và ở mặt sau của chiếc đồng hồ. Để nhấn mạnh vào chất liệu ceramic xanh, bộ máy lên cót thủ công Calibre 2954 mang đến sự tương phản với phần cầu nối PVD màu đen nhờ vào phương pháp Chemical Vapor Deposition (Lắng đọng hơi hóa học) khi được phủ một lớp màu xanh lá cây rất mỏng. Ngoài việc mang lại hiệu ứng ánh sáng phong phú, kỹ thuật này còn đảm bảo tính đồng nhất màu sắc giữa các thành phần cũng như màu sắc không thể thay đổi theo thời gian.

Ô hiển thị cơ chế GMT nằm ở vị trí 3 giờ cung cấp thời gian ở múi giờ thứ hai. Nó được điều chỉnh bằng nút bấm ở vị trí 4 giờ (mỗi lần nhấn sẽ điều chỉnh thời gian thêm một giờ). Chỉ báo múi giờ thứ hai, bao gồm 2 tấm xếp chồng lên nhau. Tấm đầu tiên hoàn thành một vòng quay trong 12 giờ, được chế tác bằng sapphire và bao gồm các hình màu trắng có viền đen. Ngược lại, tấm ngày/đêm được mài giũa từ đồng than, hoàn thành 1 vòng quay trong 24 giờ và có hai vùng màu: nửa màu trắng dành cho ban ngày và nửa màu xanh lá cây tượng trưng cho thời gian ban đêm. 

Calibre 2954 được trang bị hệ thống thùng cót đôi song song đã được cấp bằng sáng chế của Audemars Piguet, đảm bảo rằng Royal Oak Concept Flying Tourbillon GMT có thể hoạt động lên tới 10 ngày trước khi cần lên cót trở lại. Năng lượng từ hai thùng cót được đưa vào hệ thống bánh răng cùng lúc thông qua một bánh răng liên kết duy nhất, đảm bảo cho quá trình truyền năng lượng đồng bộ và trơn tru.

Hơn 2 thập kỷ đã trôi qua, Audemars Piguet hứa hẹn sẽ trình làng nhiều thiết kế Royal Oak Concept sáng tạo và tiên phong hơn nữa khi trình độ kỹ nghệ của các nghệ nhân ngày càng được nâng cao và công nghệ ngày một tiên tiến. 


𝐀𝐮𝐝𝐞𝐦𝐚𝐫𝐬 𝐏𝐢𝐠𝐮𝐞𝐭
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 10:00 am – 9:00 pm từ thứ Hai đến Chủ Nhật

loader