Thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Audemars Piguet hân hạnh trình làng một phiên bản đặc biệt của chiếc Royal Oak Concept Split-Seconds Chronograph GMT Large Date, sử dụng chất liệu forged carbon (Tạm dịch: carbon rèn) cùng tông màu hoàn toàn mới. Được chế tạo trong các xưởng nghiên cứu của Audemars Piguet thông qua công nghệ CFT (Chroma Forged Technology - Tạm dịch: Công nghệ rèn chroma), chất liệu tiên phong màu đen sẫm này sẽ mang đến một trải nghiệm thị giác vô cùng độc đáo với những nét chấm phá tinh tế về màu sắc. Chất liệu carbon trải qua quá trình CFT sở hữu khả năng chống ẩm, nhiệt độ và va đập cực kỳ tốt.
Phần vỏ giữa của chiếc đồng hồ được làm từ carbon CFT siêu nhẹ và được tô điểm bởi các sắc tố màu xanh lam, kết hợp cùng các chi tiết bằng ceramic đen như viền bezel, nút crown, các nút bấm và phần mặt sau. Tổng thể ngoại diện của chiếc Royal Oak Concept Split-Seconds Chronograph GMT Large Date được nâng tầm bởi phần mặt số có cấu trúc màu xanh - đen linh hoạt và hiện đại. Phiên bản mới này là sự hòa hợp hoàn hảo giữa kỹ nghệ chế tác đồng hồ phức tạp và thiết kế đương đại, minh chứng cho nỗ lực phi thường của thương hiệu trong việc bứt phá khỏi những giới hạn về mặt sáng tạo.
CHẤT LIỆU CÔNG NGHỆ CAO
Sau tám năm vắng bóng, carbon rèn đang trên con đường quay trở lại thời hoàng kim của mình tại Audemars Piguet khi xuất hiện trong mẫu Royal Oak Concept Split-Seconds Chronograph GMT Large Date mới của thương hiệu. Quá trình lên ý tưởng và phát triển carbon CFT tiêu tốn của các nghệ nhân khoảng thời gian dài năm năm, tuy nhiên thành quả mang lại rất ấn tượng và đáng khích lệ, với toàn bộ quy trình đều được cấp bằng sáng chế.
Không giống như những thế hệ carbon trước, công nghệ CFT của Audemars Piguet cho phép việc nhuộm màu trực tiếp lên các sợi carbon và sắp xếp chúng để đạt được nhiều họa tiết khác nhau. Hàm lượng nhựa ít hơn của carbon CFT giúp nó ít bị trầy xước hơn đáng kể so với carbon rèn truyền thống.
Quy trình sản xuất bao gồm nhiều bước phức tạp đòi hỏi chuyên môn sâu rộng của đội ngũ kĩ sư. Đầu tiên, những sợi carbon được cắt thành các mảnh nhỏ và được nhuộm màu. Họ có thể sử dụng nhiều màu sắc khác nhau tùy thuộc vào ý tưởng và sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Các mảnh carbon đã lên màu sau đó sẽ được đặt vào khuôn thiết kế đã chọn và hoàn thiện bằng nhựa. Quá trình này được lặp lại nhiều lần để tạo nên nhiều lớp giống như bánh xếp. Phần trong khuôn được nén lại tạo thành một khối rắn chắc không có bọt khí lọt vào bên trong. Tiếp đến, hỗn hợp được đặt trong lò hấp để xử lý dưới áp suất trong khoảng mười giờ để tạo thành khối carbon, sau đó tiếp tục được gia công trong sáu đến tám giờ để tạo ra thành phẩm cuối cùng.
Bởi vì các công đoạn pha trộn chất liệu được thực hiện thủ công nên mỗi bộ vỏ sẽ có họa tiết tương đối khác nhau, biến mỗi chiếc đồng hồ trở thành một tạo tác độc nhất kết hợp giữa công nghệ hiện đại và tay nghề bậc thầy của các nghệ nhân.
“Audemars Piguet là thương hiệu đồng hồ đầu tiên trên thế giới giới thiệu chất liệu carbon rèn trên thị trường vào năm 2007. Sau năm năm nghiên cứu và phát triển, chúng tôi rất hân hạnh trình làng thế hệ tiếp theo của vật liệu này với diện mạo mới nhưng vẫn giữ được những đặc tính vật lý vốn có của nó.”
Lucas Reggi, giám đốc bộ phận R&D của Audemars Piguet
_____
VẺ ĐẸP CỦA TƯƠNG LAI
Điểm nhấn của phiên bản Royal Oak Concept Split-Seconds Chronograph GMT Large Date mới không chỉ nằm ở tính phức tạp trong khâu chế tác và sản xuất vật liệu, mà còn ở thiết kế hai tông màu kết hợp giữa tông màu tối của phần mặt số openworked (tạm dịch: thiết kế lộ cơ) với những nét chấm phá màu xanh lam tương phản mạnh mẽ.
Phần vỏ giữa bằng carbon CFT siêu nhẹ được tô điểm bởi các họa tiết màu xanh có thể phát sáng trong bóng tối để tăng thêm tính thẩm mỹ và vẻ huyền bí cho chiếc đồng hồ. Ngoài ra, viền bezel, núm crown, các nút bấm và phần mặt sau bằng ceramic được đánh bóng và chải satin để tạo chiều sâu, trong khi phần bảo vệ các nút bấm ở vị trí 2, 4 và 9 giờ được mài bằng titan thể hiện tính đa dạng và linh hoạt trong việc làm chủ vật liệu của Audemars Piguet.
Được cấu thành tương tự như phần cầu nối của bộ chuyển động, mặt số openworked là kết quả của quy trình gia công tỉ mỉ và chính xác. Các lỗ tròn được cắt thành một tấm bạc niken duy nhất, sau đó được hoàn thiện PVD đen và được trang trí bằng các góc vát màu rhodium đánh bóng kim cương, để lộ một phần bộ máy cơ học bên trong. Viền bezel bên trong và viền của các mặt số phụ cũng có màu xanh lam tương phản với màu xám đen của bộ máy, từ đó giúp gia tăng khả năng hiển thị của đồng hồ.
Vẻ đẹp của chiếc Royal Oak Concept Split-Seconds Chronograph GMT Large Date càng được tăng cường bởi các cọc số và kim bằng vàng trắng phủ một lớp phát quang màu xanh lam để tỏa sáng rực rỡ trong bóng tối. Cuối cùng, thang đo tốc độ ở viền bezel trong và các thông tin trên mặt số đều có màu trắng giúp việc xem giờ dễ dàng và nhanh chóng.
Đi kèm với đồng hồ là phần dây đeo bằng cao su xanh với các điểm nhấn màu đen năng động và thể thao, có thể tháo lắp nhanh chóng nhờ vào hệ thống thay dây nhanh đã được giới thiệu trong BST Royal Oak Concept năm 2023.
“Chất liệu carbon CFT là một thử thách lớn đối với triết lý tiên phong của Audemars Piguet. Tuy nhiên, nó cũng đã mở ra những chân trời mới nơi thương hiệu có thể phát triển và vươn tầm hơn nữa.”
Illaria Resta, CEO của Audemars Piguet
_____
BỘ CHUYỂN ĐỘNG CÔNG NGHỆ CAO DỄ SỬ DỤNG
Phiên bản mới này được vận hành bởi bộ máy tự lên cót Calibre 4407, một “kỳ tích” về kỹ thuật của Audemars Piguet tích hợp các chức năng flyback chronograph, split-seconds, GMT và ô hiển thị ngày lớn. Ra mắt vào năm 2023, bộ máy được sản xuất dựa trên Calibre 4401, bộ chuyển động flyback chronograph thế hệ mới nhất của thương hiệu trong năm 2019. Mặc dù sở hữu nhiều tính năng phức tạp, Calibre 4407 đã được tinh chỉnh để có tính công thái học và dễ sử dụng nhất có thể.
Khác với các chiếc đồng hồ chronograph thông thường, cơ chế flyback giúp cho người chủ nhân có thể đặt lại tính năng bấm giờ mà không cần phải dừng lại trước. Bánh xe cột hoạt động với một hệ thống ly hợp dọc riêng biệt. Vì vậy, khi bắt đầu đo thời gian hoặc dừng lại, các kim đo sẽ di chuyển mượt mà mà không có hiện tượng bị “nhảy kim”. Hơn thế nữa, bộ máy còn sở hữu cơ chế đặc biệt được cấp bằng sáng chế, giúp cả tính năng bấm giờ và split-seconds trở lại vị trí ban đầu ngay lập tức.
Cơ chế split-seconds cho phép đo các khoảng thời gian trung gian khi thêm một kim giây khác có thể dừng lại một cách độc lập so với kim bấm giờ khi ấn vào nút bấm. Khi nút bấm được ấn một lần nữa, kim giây đó sẽ ngay lập tức bắt kịp với kim chronograph đang chạy để tiếp tục nhiệm vụ của mình. Cơ chế này có thể thực hiện lặp đi lặp lại.
Nút bấm ở vị trí 9 giờ làm gợi nhớ đến chiếc Royal Oak Concept Laptimer (2015), chiếc đồng hồ cơ học đầu tiên có khả năng đo lường thời gian của nhiều vòng đua liên tiếp được phát triển cùng với sự hợp tác của Michael Schumacher.
Thường ẩn mình trong các mẫu đồng hồ tự lên cót, bánh xe và hai kẹp truyền động của cơ chế split-seconds có thể được nhìn thấy ở trung tâm của rô-to. bên dưới phần cầu nối hình chữ X.
Chưa hết, chiếc đồng hồ này còn có tính năng GMT với mặt số phụ ở vị trí 3 giờ thể hiện thời gian của múi giờ thứ hai. Người chủ nhân có thể điều chỉnh thời gian thông qua nút nhấn đồng trục của núm crown ở vị trí 3 giờ (mỗi lần nhấn sẽ tăng thêm 1 giờ). Hệ thống GMT dựa trên một đĩa và kim giờ quay với tốc độ khác nhau: kim giờ hoàn thành một chu kỳ trong 12 giờ, trong khi đĩa hiển thị ngày/đêm quay hết một vòng trong 24 giờ. Ô hiển thị ngày ở vị trí 12 giờ nổi bật và đối xứng hoàn hảo với bộ đếm giây ở vị trí 6 giờ.
Calibre 4407 tiếp tục duy trì truyền thống chế tác đồng hồ tinh xảo của Audemars Piguet với các chi tiết trang trí Haute Horlogerie bao gồm phun cát, tạo vân tròn, chải satin, và vát bóng, tất cả đều có thể được chiêm ngưỡng thông qua lớp kính bằng sapphire ở mặt sau đồng hồ.
_____
THƯƠNG HIỆU TIÊN PHONG LÀM CHỦ CHẤT LIỆU
Trong hơn nửa thế kỷ, thị trường đồng hồ Thụy Sĩ đã trình làng nhiều vật liệu mới lạ như titan, nhựa, ceramic, gỗ và cao su. Audemars Piguet luôn là một trong những ngọn cờ đầu khi xét về chất liệu, chẳng hạn như việc tôn vinh thép vào năm 1972 với chiếc Royal Oak đầu tiên, giới thiệu tantal vào năm 1988, alacrite vào năm 2002, carbon rèn vào năm 2007, cermet vào năm 2010 và hình dạng đầu tiên của BMG (Bulk Metallic Glass) vào năm 2021.
Được sử dụng trong chế tác đồng hồ kể từ năm 1998, phiên bản đầu tiên của carbon, dựa trên ngành công nghiệp xe hơi, có hình dáng giống như vải. Các sợi carbon dài được kết lại với nhau để tạo thành một bề mặt chống trầy xước. Audemars Piguet lần đầu sử dụng kỹ thuật này vào năm 2004 dành cho viền bezel của chiếc Royal Oak Juan Pablo Montoya (26030RO)
Vào năm 2007, thương hiệu mang carbon rèn đến với thế giới. Carbon rèn khác với carbon thông thường ở chỗ các sợi carbon ngắn hơn được đặt ngẫu nhiên trong nhựa, mang lại sức xoắn tối ưu theo mọi hướng. Chất liệu này được thương hiệu sử dụng đầu tiên trong chiếc Royal Oak Offshore Alinghi Team Chronograph 44mm (26062FS).
Tiếp nối những thành công ban đầu, carbon rèn tiếp tục được Audemars Piguet sử dụng, điển hình là chiếc Millenary Carbon One (26152AU) chỉ nặng 70 gram nhờ vào bộ vỏ bằng carbon rèn và titan ra mắt vào năm 2009. Năm tiếp theo, đến lượt của BST Royal Oak Offshore với chiếc Royal Oak Offshore Grand Prix (26290IO). Được lấy cảm hứng từ đường đua nổi tiếng, chiếc đồng hồ 44mm có bộ vỏ được làm từ carbon rèn, titanium và ceramic kết hợp lại với nhau.
Vào năm 2015, Audemars Piguet hợp tác với tay đua vô địch Michael Schumacher cho ra mắt chiếc Royal Oak Concept Laptimer (26221FT). Đây là chiếc đồng hồ cơ học đầu tiên tích hợp tính năng Lapitmer để đo thời gian của nhiều vòng đua khác nhau.
Carbon rèn có màn xuất hiện cuối cùng tại thương hiệu vào năm 2016 trên chiếc Royal Oak Offshore Chronograph QE II Cup (26406FR). Giờ đây, chất liệu này đã được cải tiến thông qua công nghệ CFT, có cho mình sự bền bỉ và tính linh hoạt giúp Audemars Piguet đạt được những thành tựu mới trong tương lai.
“Năm 2024 đánh dấu một cột mốc lịch sử cho Audemars Piguet trong việc làm chủ vật liệu với việc giới thiệu công nghệ mới cho phép tạo ra polychrome ceramic và vàng, cũng như một thế hệ mới của forged carbon.”
Sébastian Vivas, Giám đốc Bảo tàng và Di sản Audemars Piguet
“Seek Beyond.”
𝐀𝐮𝐝𝐞𝐦𝐚𝐫𝐬 𝐏𝐢𝐠𝐮𝐞𝐭
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 10:00 am – 9:00 pm từ thứ Hai đến Chủ Nhật