Trang chủ/Blog/Richard Mille và những sáng tạo vật liệu đột phá trong 20 năm qua

Chuyên sâu

17/9/2024

Richard Mille và những sáng tạo vật liệu đột phá trong 20 năm qua

Blog

TPT Carbon, Alusic, Lital, ARCAP, Graph TPT.. có lẽ tất cả các loại vật liệu này và những cái tên khó hiểu của chúng không có chút quen thuộc nào như vàng hay kim cương. Và liệu 20 năm trước đây có ai dám nghĩ rằng sẽ có những chiếc đồng hồ từ những vật liệu kì lạ như vậy được sản xuất cùng mức giá cao ngất ngưởng như những chiếc Richard Mille bây giờ không?


Văn phòng làm việc của Richard Mille nằm ở ngay trung tâm mua sắm xa xỉ của Paris, rất ngăn nắp và toát lên phong cách đương đại. Richard Mille khẳng định khi được hỏi ông muốn được biết đến như thế nào: “Tôi không phải là một kĩ sư, tôi không phải là một nghệ nhân làm đồng hồ và tôi cũng không phải là một nhà nghiên cứu khoa học.” Richard Mille mỉm cười với một loạt tràng tự giới thiệu bản thân của chính mình, bởi ông hiểu rằng ngoài kia khi người ta nhìn vào những khái niệm mới mà Richard Mille mang đến cho làng đồng hồ 16 năm qua, rất có thể họ đã gọi ông bằng những chức vị như vậy. “Không, tôi chỉ đơn thuần là một kẻ bị ám ảnh, rất ám ảnh với những cỗ máy cơ học và tôi luôn háo hức trước sự rộng lớn của vũ trụ này” người đàn ông 67 tuổi tràn đầy năng lượng tiếp tục “Niềm đam mê của tôi gần như là chia đều, cả ô tô, đồng hồ và máy bay. Và tôi cũng chỉ có 3 triết lý chính trong công việc: luôn phải tìm sự cải tiến, luôn phải có một thiết kế rõ rệt và đừng quan ngại về giá”.

Richard Mille – Người thay đổi khái niệm vật liệu mới cho ngành đồng hồ xa xỉ

Ngài Richard Mille bỏ việc tại Mauboussin khi ông đã 50 tuổi và  bắt đầu một chuyến phiêu lưu không biết hồi kết. “Khi đó tôi thấy rằng lĩnh vực đồng hồ xa xỉ có rất nhiều thương hiệu, nhưng không mấy nhãn nào quan tâm đến lĩnh vực đồng hồ thể thao hay đồng hồ cho phái đẹp” Richard Mille nhớ lại “Tôi thấy đây là một cơ hội cho mình. Tôi phải xây dựng thương hiệu riêng thôi, bây giờ hoặc không bao giờ nữa.” 

Khi đến phần suy nghĩ xem thương hiệu của mình nên có một chút lịch sử hay chỉ đánh vào dòng cơ bản, cuối cùng ngài Mille quyết định rằng ông muốn có một thương hiệu hiện đại. “ Tôi biết tôi không có nhiều lịch sử để kể về mình, nên tôi dành tất cả tâm huyết vào chiếc đồng hồ đầu tiên.” Một sự thiếu hụt nữa trên thị trường mà ngài Mille đã nhận ra từ khi đó là nhiều thương hiệu đồng hồ trẻ nhưng lại không đi theo hướng sử dụng các công nghệ của tương lai. “Bạn biết không, hầu hết họ đều sử dụng các công cụ, hình ảnh và thiết kế ra những chiếc đồng hồ trông giống như hồi thế kỉ 19.” Ngài Mille tiếp tục: “Điều đó như kiểu là chúng ta dùng những dây chuyền sản xuất tự động thông minh của ngày nay nhưng lại để sản xuất ra những thứ của ngày xưa.”

Bên trong ProArt – nhà máy sản xuất thân vỏ đồng hồ của Richard Mille, nơi cho ra đời những chiếc vỏ độc nhất

Trở lại những năm 2001, suy nghĩ của Richard Mille nghe có phần nào điên rồ và ông từng nhận được nhiều những ánh mắt nghi kị về ý đồ đi tìm những chất liệu mới hơn cho ngành chế tác đồng hồ đã hàng trăm năm tuổi.  “Tôi cảm thấy rằng thương hiệu của tôi đang đặt 1 chân tại thế kỷ 19 – bởi vì tôi trân trọng và trung thành với truyền thống chế tác đồng hồ vĩ đại của đất nước Thụy Sĩ, quê hương của những bộ máy chuyển động vô cùng phức tạp và những đôi bàn tay chế tác bậc thầy; 1 chân còn lại ở thế kỷ 21 – một kỷ nguyên mới.” Richard Mille nói.

Quả thật thế kỉ 21 là thời đại của công nghệ, người người nhà nhà sử dụng các ứng dụng, phần mềm, mạng xã hội. Các lĩnh vực hàng không, xe đua hay vô tuyến viễn thông cũng vô cùng năng động và ngày càng có nhiều phát minh tuyệt vời, chứng tỏ sức thích nghi nhanh chóng. Vậy thì không có lý do gì để ngành đồng hồ chỉ gói bọc với lối mòn, quanh quẩn với các vật liệu truyền thống như vàng, platinum đã có từ hàng thế kỉ trước. Đúng là theo góc nhìn của những nhà sưu tập đồng hồ lão làng từ trước đến giờ thì giá trị của đồng hồ cũng được cân nhắc qua cả độ nặng, và các loại vật liệu như vàng hay kim cương đều thoả mãn được quan điểm ấy. Richard Mille không phản đối điều này, ông cho thấy rằng cũng vẫn có những góc nhìn khác mà ngành đồng hồ xa xỉ còn chưa đụng tới, nhất là trong kỉ nguyên của khoa học và công nghệ. Chắc chắn cũng có những khách hàng cao cấp ngoài kia muốn sở hữu những chiếc đồng hồ ngày càng nhẹ hơn, càng bền hơn, càng mới hơn và độc đáo hơn. Richard Mille quyết định ông sẽ không làm phụ lòng họ và đồng thời khẳng định rằng truyền thống cũng sẽ tìm được cách hoà mình vào dòng chảy thời cuộc.

Chiếc đồng hồ RM 001 Tourbillon lần đầu tiên được giới thiệu chế tác từ Titanium và Carbon Nano-fiber và sở hữu mức giá gấp đôi những chiếc tourbillon thời bấy giờ

RM 001 là chiếc đồng hồ đầu tiên mà Richard Mille đưa ra công chúng, được làm từ Titanium và Carbon Nano-fiber, giá 135,000$ và được sản xuất tổng cộng 80 chiếc. “Mục tiêu của tôi khi đó là đưa ra một chiếc đồng hồ nhẹ và chống được shock.” Richard Mille nhớ lại. Titanium thoả mãn được khả năng chống mòn, chống shock và có khả năng chịu nhiệt vô cùng cao, đây cũng là tiền đề ra đời RM 002 cùng năm đó là chiếc đầu tiên trong lịch sử có tấm nền của cỗ máy được tạc từ Titanium.

Không phải do may mắn mà triết lý dùng các vật liệu mới lạ này lại có thể chinh phục được giới sưu tầm mà bởi những gì Richard Mille đem tới thực sự hướng về tương lai. Richard Mille tiếp tục tìm hiểu và đưa những công nghệ của ngành hàng không vũ trụ và chế tạo xe đua vào đồng hồ, có thể nói rằng, Richard Mille đang dẫn đầu một cuộc “nổi dậy”, một cuộc cách mạng thực sự. Điều đó đòi hỏi nhiều lần thử nghiệm, sự đầu tư vào các kĩ sư, các nhà chế tác, thậm chí chế tạo ra những bộ dụng cụ mới, những cỗ máy mới để biến sự bất khả thi trở thành hiện thực.

Không ngủ quên trên chiến thắng, Richard Mille lại tiếp tục nghiên cứu một loại tấm nền đỡ bộ chuyển động, nhưng lần này, nó sẽ làm bằng sợi carbon siêu vi. Để có thể tiếp cận được với vật liệu vốn trước đây chỉ được tìm thấy trên vỏ tàu vũ trụ, họ phải liên lạc với một nhà thầu cho chính phủ Mỹ. Nếu trở thành hiện thực, vật liệu siêu nhẹ và siêu bền này sẽ làm cho tấm nền đỡ bộ chuyển động bền hơn bao giờ hết. Cuối cùng vào năm 2004, Richard Mille đã thành công với RM 006, cỗ máy thời gian đầu tiên trong lịch sử ngành đồng hồ sử dụng tấm nền đỡ làm bằng sợi carbon siêu vi.

Richard Mille RM 009 mặc dù không sử dụng 1 gram đá quý nào vẫn là bộ vỏ tốn kém nhất từng được chế tạo khi sử dụng vật liệu ALUSIC – được nghiên cứu và phát triển nhằm mục đích chế tạo vệ tinh vũ trụ

Tiếp nối đó là RM 009 vào năm 2005 làm bằng ALUSIC. ALUSIC thực sự là một cơn ác mộng đối với những chiếc máy CNC, bởi độ cứng vô tiền khoáng hậu của nó khiến cho những mũi khoan công nghiệp phải chào thua. RM 009 trở thành chiếc đồng hồ nhẹ nhất thời bấy giờ với vỏn vẹn 29 grams. Nếu áp dụng cách tiếp cận truyền thống, cỗ máy thời gian này sẽ phải có trọng lượng gấp 5 thậm chí 6 lần, đồng thời độ chống shock bị suy giảm đáng kể và không thể nào làm nên lịch sử ngành chế tác đồng hồ xa xỉ như chiếc RM 009 đã làm.

RM 50-02 ACJ 

Số lượng những vật liệu tiên phong được Richard Mille cho ra mắt thực sự tỷ lệ nghịch với quá trình lịch sử phát triển ngắn ngủi của thương hiệu này. Orthorhombic titanium aluminide, vật liệu được sử dụng làm lõi cánh máy bay siêu thanh, lần đầu tiên xuất hiện trên RM 021 vào năm 2009, rồi sau đó vào năm 2012, Richard Mille lại là thương hiệu đầu tiên chế tạo ra một chiếc vỏ đồng hồ được làm hoàn toàn bằng sapphire. Vào năm 2016, RM 50-02 ra đời với bộ chuyển động làm bằng hợp kim Titanium-aluminium vốn được các kĩ sư máy bay tại Airbus sử dụng để chế tạo cánh tuabin của những chiếc chuyên cơ ACJ xa xỉ.

Không thể không nhắc đến cú đột phá của Richard Mille với chiếc đồng hồ sử dụng chất hiệu Sapphire cho toàn bộ phần vỏ. (Ảnh: RM 56-02)

Được giới thiệu tại SIHH năm 2014, vật liệu Carbon TPT, lại một lần nữa như vật liệu Titanium đã từng xuất hiện trước đó, mở ra một vùng đất mới vô cùng màu mỡ cho triết lý chế tạo đồng hồ siêu bền, siêu nhẹ của Richard Mille. Được độc quyền sáng chế bởi North Thin Ply Technology, đây là một loại carbon được tạo thành bằng cách xếp chồng hàng trăm lớp carbon với độ dày chưa tới 30 microns lên nhau, gắn kết lại bằng một loại nhựa keo, lớp trên tạo với lớp dưới một góc 45 độ. Cùng với North Thin Ply Technology, Richard Mille vừa mới sáng chế thành công Quartz TPT sử dụng cùng một công nghệ với Carbon TPT nhưng làm bằng sợi Silica.

RM 27-03 gây chú ý với sự bùng nổ sắc màu nhờ vào quá trình tạo sắc thái mới cho Quartz TPT

Richard Mille đã mở ra nhiều hướng đi mới trong ngành công nghiệp chế tác đồng hồ: tạo màu cho Carbon TPT và Quartz TPT, gắn các lá vàng mỏng vào bên trong carbon, hay thậm chí là đính kim cương lên bề mặt carbon, và thành tựu gần đây nhất là Graph TPT, hay còn được biết đến với cái tên graphene – một dạng vật chất nano có trọng lượng nhẹ gấp 6 lần thép, nhưng rắn hơn gấp 200 lần. Với việc sử dụng chất liệu đạt giải Nobel về Vật lí học vào năm 2010 này, Richard Mille đã thành công trong việc tạo nên chiếc đồng hồ RM 50-03 McLaren sở hữu chức năng Split Seconds Tourbillon Chronograph nhẹ nhất thế giới nặng chưa đến 40 grams.

Chiếc RM 50-03 McLaren sử dụng vật liệu đoạt giải Nobel – Graph TPT

Luôn luôn cải tiến và không hề dừng lại là triết lí của Richard Mille. Sau mỗi sản phẩm thành công, Richard Mille lại tiếp tục bắt tay vào việc sáng tạo thêm những chiếc đồng hồ mới, với những cải tiến về mọi mặt, từ chức năng đến vật liệu. Về phần này, ngài Mille nói ông tràn ngập ý tưởng trong đầu. “Tôi vừa trở về từ kỳ nghỉ. Tôi đi vào nhà máy và nói với nhân viên rằng tôi có rất nhiều thứ muốn làm.” Ông tiết lộ. “Phản ứng của họ là: Không, ông chủ ơi! Làm ơn đấy! Đừng thế chứ!”. Giống như đồng hồ của mình, không có giới hạn cho Richard Mille và sự sáng tạo của ông.


Richard Mille Boutique
Sofitel Metropole Hotel, 56 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (0084) 24 3266 9356

___

Các tin bài khác: 

Richard Mille chinh phục khái niệm siêu mỏng với RM 67-01

ProArt II – Mật mã thành công của Richard Mille

Những người phụ nữ của Richard Mille

Richard Mille khép lại hành trình của RM 61-01 với phiên bản cuối cùng

loader