Trang chủ/Thương hiệu/Bovet 1822
brand-detail
seiko

Bovet 1822

Bovet 1822 là một thương hiệu đồng hồ dám bứt phá khỏi những chuẩn mực bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các thiết kế đồng hồ đương đại và nghệ thuật chế tác tinh xảo. Không chỉ có bề dày lịch sử, giá trị của thương hiệu ở khía cạnh văn hoá Phương Đông thế kỷ 19 đã đưa Bovet trở thành một thương hiệu mang tính biểu tượng. Với những kỳ công như hệ thống biến chuyển Amadeo, các thiết kế của Bovet luôn gợi nhớ đến di sản của họ và hướng tới tương lai.

Tiên phong kỹ nghệ chế tác

Sự khởi đầu của "vương triều" Bovet

1797-1839

Sự khởi đầu của "vương triều" Bovet

Bovet được nuôi dưỡng bởi bốn người anh em nhưng Édouard Bovet luôn được biết đến là người gây dựng nên nền tảng vững chắc cho thương hiệu gia đình. Sinh năm 1797 tại một ngôi làng nhỏ tên là Fleurier thuộc thành phố Neuchâtel của Thụy Sĩ, ngài được học nghệ thuật chế tác đồng hồ từ cha mình, Jean Frédéric Bovet.
Mặc dù đồng hồ Thụy Sĩ thường gắn liền với Geneva, nhưng với Bovet, Fleurier mới là quê hương của thương hiệu này. Nghệ thuật chế tác đồng hồ lần đầu tiên du nhập tới vùng Val-de-Travers (Fleurier) vào khoảng cuối thế kỷ 18, đến giữa thế kỷ 19, thương hiệu đồng hồ Fleurier gần như độc quyền cho thị trường Châu Á, đặt nền móng làm nên tên tuổi của những chiếc đồng hồ Bovet.
Năm 1814, Édouard và hai anh trai của mình, Alphonse và Frédéric, rời quê hương của họ để học chế tạo đồng hồ ở London. Sau một vài năm, Édouard đến Canton (tức Tổng Can – giờ là Quảng Châu, Trung Quốc), vào năm 1818 dưới sự điều hành của công ty Ilbury & Magniac của Anh với tư cách là nghệ nhân sửa chữa đồng hồ.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường mới và chưa được khám phá, Édouard đã thành lập công ty với các anh em vào năm 1820. Đây chính là dấu mốc cho “Ngôi nhà của BOVET” (The House of BOVET). Trong khi Édouard tiếp tục ở lại để xử lý việc bán hàng, Alphonse và Frédéric quản lý việc vận chuyển từ Luân Đôn thông qua Công ty Đông Ấn. Còn người anh thứ tư, Charles-Henri, giám sát hoạt động sản xuất của Fleurier ở Thụy Sĩ.

Thời kỳ hoàng kim của Bovet

1840-2000

Thời kỳ hoàng kim của Bovet

Bovet không phải là thương hiệu sản xuất đồng hồ đầu tiên nhắm vào thị trường Châu Á. Bên cạnh những nhân viên trước đây của Édouard và Jacques Ullmann & Cie, Vacheron Constantin đã tạo dựng được vị thế ở phía Bắc. Tuy nhiên, Bovet phát triển mạnh mẽ ở các khu vực phía Nam.
Những chiếc đồng hồ đầu tiên được bán thành từng cặp trong một chiếc họp gỗ, vừa có ý nghĩa may mắn, vừa giúp nhà sưu tầm sử dụng lưu trữ chiếc đồng hồ còn lại nếu chiếc kia cần được sửa chữa, bởi việc sửa chữa đôi khi cần đến 6 tháng mới hoàn thành.
Với những chế tác bằng ngọc trai và bức tranh thu nhỏ bằng men tinh xảo, đồng hồ Bovet luôn được giới mộ điệu mong đợi. Những bộ máy thường được điêu khắc tỉ mẩn và đăt trong bộ vỏ kính trong suốt (thiết kế lộ cơ) để có thể chiêm ngưỡng từ mặt sau chiếc đồng hồ. Danh tiếng của họ lớn đến mức bất kỳ chiếc đồng hồ xa xỉ nào cũng được gọi là “Bo Wei”- phiên âm tiếng địa phương của thương hiệu, sau này đã được lưu hành rộng rãi, dùng chỉ những chiếc đồng hồ được chế tác công phu nói chung.
Năm 1830, Édouard trở về Fleurier cùng với Édouard-Georges. Khi trở về, ngài đã xây dựng ngôi nhà Bovet. Đây cuối cùng đã trở thành tòa thị chính nhưng ngày nay là nơi đặt Quỹ Chất lượng Fleurier, một phần do Bovet thành lập.
Nhờ các kỹ nghệ chế tác truyền thống như tráng men, chạm khắc, mỗi tác phẩm của Bovet thời bấy giờ đã thu hút giới thượng lưu Châu Á, đặc biệt các thành viên Hoàng Gia. Bất chấp những thăng trầm xuyên suốt thế kỷ, Bovet vẫn rất được yêu thích. Thương hiệu không những “vững chân” tại Phương Đông mà phát triển mở rộng toàn cầu.

Pascal Raffy và công cuộc tái sinh di sản sau hai thế kỷ

2001 - Hiện tại

Pascal Raffy và công cuộc tái sinh di sản sau hai thế kỷ

Pascal Raffy là một nhà đầu tư và kinh doanh thành công, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống có đam mê sâu sắc với thế giới đồng hồ. Tình cờ, một người bạn của Pascal Raffy đã thuyết phục ngài thử cầm và cảm nhận một chiếc đồng hồ, được đặt cùng với những thiết kế trong bộ sưu tập riêng cá nhân ông. Ngài Raffy phải nhắm mắt để cầm từng chiếc đồng hồ, chuyện sẽ không có gì nổi bật cho đến khi ngài cầm đến chiếc Bovet. Cơ duyên đó đã đưa Raffy đến với thương hiệu Bovet và chiếm trọn tình cảm của ông. Năm 2001, Bovet 1822 được ngài Pascal Raffy mua lại hoàn toàn. Pascal Raffy trở thành chủ sở hữu và là cổ đông duy nhất của Bovet. Không thể phủ nhận rằng ngài Raffy đã gây tiếng vang lớn trong ngành chế tác đồng hồ. Ngài ‘thu thập’ lại tất cả những di sản của dòng họ Bovet một cách thông minh và tối ưu nhất, gợi nhớ lại thế giới về một thương hiệu nghệ thuật đã từng tồn tại và nay vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Pascal Raffy không chỉ hồi sinh Bovet trở lại vị trí vốn có, mà còn chứng minh sức sáng tạo vô hạn của nghệ thuật chế tác đồng hồ. Trong hơn một thập kỷ, chính khả năng lãnh đạo và tính chính trực của ngài Raffy đã “thổi hồn” vào Bovet – một di sản đáng quý trong thế giới đồng hồ và đồng thời đổi mới định vị của thương hiệu.

Bài viết liên quan

Sản phẩm của Bovet 1822

Xem tất cả
loader