Trang chủ/Blog/Breitling và những “lần đầu” của thương hiệu sau 140 năm tồn tại và phát triển (P1)

Chuyên sâu

20/11/2024

Breitling và những “lần đầu” của thương hiệu sau 140 năm tồn tại và phát triển (P1)

Blog

Năm 2024 đánh dấu sinh nhật lần thứ 140 của thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Breitling. Để kỷ niệm một sự kiện đặc biệt như vậy, những câu chuyện chưa kể đằng sau các cột mốc quan trọng của thương hiệu sẽ được đội ngũ truyền thông dần hé lộ. Mỗi câu chuyện sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn về những khoảnh khắc và thành tựu đã định hình nên một Breitling từ năm 1884 cho đến ngày hôm nay. 

------------------------------------------------------------------

AEROSPACE B70 ORBITER

Breitling Orbiter 3 – Chuyến bay bằng khinh khí cầu vòng quanh thế giới không dừng đầu tiên

Khi cuộc khủng hoảng đồng hồ quartz đánh vào thị trường đồng hồ cơ của Thụy Sĩ, đã có rất nhiều thương hiệu bị ảnh hưởng nặng nề về mặt doanh số và buộc phải cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, Breitling lúc bấy giờ đã sẵn sàng để thay đổi khi áp dụng công nghệ quartz mới kết hợp với kỹ nghệ chế tác đồng hồ bấm giờ điêu luyện của mình. Thành quả sau cùng là dòng đồng hồ Breitling Professional – những phiên bản đồng hồ kỹ thuật số đã đồng hành cùng Bertrand Piccard và Brian Jones trong chuyến bay vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu không dừng được ghi nhận trong danh sách những kỷ lục của thế giới.

Cả hai đã tham gia vào chuyến phiêu lưu do Breitling tài trợ vào ngày 1 tháng 3 năm 1999 tại Chateaux-d’Oex trên dãy Alps của Thụy Sĩ. Sau hành trình dài 19 ngày, 21 giờ và 55 phút, khinh khí cầu Breitling Orbiter 3 đã hạ xuống sa mạc Ai Cập. Bộ đôi đã di chuyển quãng đường dài tổng cộng 45,633 km, vừa định vị hướng gió, thời tiết và giao thông trên bầu trời để phá vỡ kỷ lục thế giới – một thành tựu thậm chí được ca ngợi trên trang bìa của National Geographic.

Giờ đây, cuộc phiêu lưu của Breitling sẽ tiếp diễn khi thương hiệu tri ân cột mốc 25 năm kể từ chuyến phiêu lưu đã đi vào lịch sử, với phiên bản Aerospace B70 Orbiter. Chiếc đồng hồ này được trang bị bộ chuyển động quartz đa chức năng được COSC chứng nhận mang tên B70 SuperQuartz™ manufacture caliber. Nó sở hữu màn hình hiển thị LCD kép và một danh sách các chức năng, bao gồm đồng hồ bấm giờ có thể đo đến 1/100 giây, đồng hồ đếm ngược, múi giờ thứ hai, hai báo thức, chức năng vòng lặp và lịch vạn niên.

Thiết kế bộ vỏ bằng titanium và mặt số màu cam của Aerospace B70 Orbiter được lấy cảm hứng từ khinh khí cầu Orbiter. Và đặc biệt hơn nữa khi mỗi chiếc đồng hồ sẽ đều sở hữu một mẩu nhỏ của chính chiếc khinh khí cầu, có thể được chiêm ngưỡng thông qua mặt sau của bộ vỏ.

BREITLING NAVITIMER

Navitimer – Người bạn đồng hành trên không đầu tiên của các phi công

Mối liên kết của Breitling đối với bầu trời không chỉ được thể hiện qua những chuyến bay hào nhoáng. Hành trình chinh phục bầu trời của thương hiệu không bắt nguồn từ mục đích thương mại mà xuất phát từ một nhiệm vụ bí mật. Tất cả bắt đầu vào năm 1937 khi British War Office (Tạm dịch: Văn phòng chiến tranh Anh) mời Willy Breitling thiết kế một chiếc đồng hồ theo yêu cầu cầu của Royal Air Force (Tạm dịch: Lực lượng không quân Hoàng Gia). Willy nhanh chóng thành lập một bộ phận sản xuất chuyên dụng mang tên Huit Aviation, để chế tác nên các công cụ đo thời gian cho Royal Air Force và đồng minh của lực lượng.

 

Sau chiến tranh, đồng hồ bấm giờ của Breitling đã nhận được nhiều sự quan tâm đến từ các phi công nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp, đặc biệt vào năm 1952 khi Breitling chế tác nên tạo tác đầu tiên được trang bị quy tắc thước trượt dành cho các phi công.

 

Được ví von là “máy tính trên không”, Navitimer (tên kết hợp giữa điều hướng (navigation) và bộ đếm giờ (timer)) đã thay đổi hoàn toàn đồng hồ bấm giờ dành cho phi công với khả năng tính toán mọi thứ, từ mức tiêu thụ nhiên liệu cho đến vận tốc tối đa. Sức hút của bộ sưu tập còn vượt xa khỏi ranh giới của lĩnh vực hàng không, khi những ngôi sao nổi tiếng của thời đại bao gồm nhạc sĩ Miles Davis và các tay đua F1 Jim Clark và Graham Hill, đều có riêng cho mình những chiếc Navitimer. 

Cho đến hiện tại, quy tắc thước trượt đã từng hỗ trợ các phi công trong chuyến bay của họ vẫn được xem là biểu tượng trong ngành chế tác đồng hồ, đồng hành cùng những cá nhân đang chuẩn bị cất cánh vào đời. 

 

COSMONAUTE

Navitimer Cosmonaute – Chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đầu tiên bay vào vũ trụ

Vào năm 1962, Breitling nhận được một cuộc gọi ngẫu nhiên có thể đưa tên tuổi của thương hiệu đi vào lịch sử. Scott Carpenter, một thành viên thuộc nhóm các phi hành gia của NASA mang tên Mercury Seven, đã liên lạc với Willy Breitling để nhờ ông chế tác nên một chiếc Navitimer đặc biệt dành riêng cho hành trình đi vào không gian của nhóm. 

Phi hành gia Scott Carpenter và tên lửa Aurora 7 Mercury Atlas cất cánh vào ngày 24 tháng 5 năm 1962

Carpenter được giới thiệu về đồng hồ trên không thông qua một nhóm các phi công quân đội và đã trở thành một người hâm mộ nhiệt thành của quy tắc thước trượt kể từ đó. Tuy nhiên, để đưa chiếc đồng hồ vào không gian cần có một số điều chỉnh nhất định.

 

Carpenter muốn giữ lại quy tắc thước trượt để ông có thể thực hiện các phép tính thủ công đơn giản, tuy nhiên ông cảm thấy thang đo chuyển đổi từ phút sang giờ là không cần thiết. Ngoài ra, ông muốn phần dây đeo của đồng hồ bằng kim loại có thể kéo dãn để vừa vặn với bộ đồ du hành vũ trụ của mình, và phần bezel có thể dễ cầm nắm bằng găng tay. Đặc biệt nhất là yêu cầu thay đổi từ thang đo 12 giờ sang 24 giờ, vì ngày và đêm đóng vai trò không quá quan trọng khi các phi hành gia có thể quan sát sự thay đổi chóng mặt của bình minh và hoàng hôn. 

 

Willy Breitling chỉ có chưa đầy 2 tháng để thực hiện theo đơn đặt hàng của Scott Carpenter, và bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình cũng như đội ngũ nghệ nhân, ông đã có thể kịp giao chiếc đồng hồ mới cho Carpenter trước chuyến bay định mệnh. Chiếc Navitimer Cosmonaute, đã quay quanh Trái đất ba lần trên cổ tay của Carpenter, trở thành chiếc đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ đầu tiên bay vào không gian. 

Chiếc Cosmonaute đầu tiên của Scott Carpenter trong chuyến hành trình lên vũ trụ cùng đội Mercury Seven

Phi hành gia người Mỹ đã rơi xuống Đại Tây Dương, cách điểm giải cứu dự tính 400km. Ông đã dành ba giờ trên bè cứu sinh trước khi các thủy thủ đoàn đến. Chiếc đồng hồ được chế tác dành cho không gian chứ không phải trên biển nên đã bị hư hỏng nặng do nước mặn xâm nhập. Carpenter đã gửi nó lại cho Willy Breitling, người đã nhanh chóng thay thế nó bằng một phiên bản mới. Gia đình Breitling vẫn còn giữ nguyên bản gốc và mặc dù mặt số đã bị phá hủy nhưng quá trình ăn mòn của nó đã tạo nên một lớp gỉ độc đáo – gần giống như khung cảnh trên một hành tinh.

 

CHRONOMAT

Chronomat – Sự quay trở lại đầu tiên trong công cuộc hồi sinh đồng hồ cơ học

Breitling Frecce Tricolori là một trong những chiếc đồng hồ bấm giờ cơ học đầu tiên tái gia nhập thị trường trong thời kỳ đỉnh cao của kỷ nguyên đồng hồ quartz. Đó là một bước đi táo bạo của thương hiệu khi vào thời điểm đó đồng hồ chạy bằng pin được coi là nền tảng của tương lai. Tuy nhiên, Frecce Tricolori, khi ra mắt vào năm 1983, đã gặt hái được thành công ngay lập tức.

Một trong những yếu tố tạo nên thành công cho mẫu đồng hồ này là mục đích ban đầu của nó khi được chế tác dành cho đội nhào lộn trên không Frecce Tricolori của không quân Ý. Ý tưởng ban đầu là tạo nên một chiếc đồng hồ mạnh mẽ có thể đáp ứng được điều kiện khắc nghiệt trong buồng lái máy bay nhưng cũng đủ tinh tế để đeo cùng bộ trang phục nghi lễ. Frecce Tricolori đã đạt được sự cân bằng đó nhờ thiết kế hoàn toàn bằng thép được chau chuốt tỉ mỉ và kỹ lưỡng. 

Sở hữu lớp mặt kính cong và lõm xuống, kết hợp với bốn tab người lái ở các mốc 15, 30, 45 và 60 phút giúp bảo vệ chiếc đồng hồ khỏi những va đập vào phần khung kim loại của buồng lái – điều mà Ernest Schneider, chủ sở hữu lúc bấy giờ của Breitling, đã quan sát và thấy được trong chính trải nghiệm lái máy bay của mình. Các tab ở mốc 15 và 45 có thể được hoán đổi để cho phép người chủ nhân đọc thời gian còn lại hoặc đã trôi qua, một tính năng đặc trưng của Chronomat vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. cùng với dây đeo kim loại rouleaux và nút crown có hình dáng “củ hành”. 

 

Sự phổ biến của đồng hồ Frecce đã thúc đẩy Schneider phát triển rộng rãi mẫu đồng hồ này một năm sau đó với tên gọi Chronomat. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của cuộc khủng hoảng quartz và sự trở lại của đồng hồ cơ học.

 

Còn tiếp

------------------------------------------------------------------

Liên hệ nhà phân phối chính hãng thương hiệu Breitling tại Việt Nam:

𝗛𝗢 𝗖𝗛𝗜 𝗠𝗜𝗡𝗛:

153 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: (+84) 28 7303 8386

Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00 từ thứ Hai đến Chủ Nhật

𝗛𝗔𝗡𝗢𝗜:

S&S WATCHES & JEWELRY

Sofitel Legend Metropole Hanoi, 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Hotline: (+84) 906 242 424

Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00 từ Thứ Hai đến Chủ Nhật

loader